Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự suy giảm dần dần các chức năng về nhận thức. Dạng lâm sàng phổ biến nhất biểu hiện là bệnh Alzheimer, tiếp đó là dạng sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu, sa sút trí tuệ thực thể Lewy và chứng mất trí nhớ do tổn thương não trước.

Báo cáo năm 2015 của Tổ chức y tế thế giới ước lượng rằng có khoảng 46,8 triệu người sa sút trí tuệ trên toàn thế giới và con số này dự đoán sẽ tăng lên 74,7 triệu vào năm 2030 và 131,5 triệu người đến năm 2050. Số lượng này ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và chăm sóc y tế của các quốc gia trên thế giới.

Các triệu chứng thường gặp có thể bao gồm:

  • Mất trí nhớ
  • Khó khăn trong việc tìm kiếm đúng từ hoặc hiểu những gì mọi người đang nói
  • Khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày
  • Thay đổi tính cách và tâm trạng
Sự thành công trong điều trị sa sút trí tuệ là cải thiện về tâm lý và tăng tiếp xúc xã hội của nhóm bệnh nhân này. (Ảnh: sleephub.com.au)

Điều trị sa sút trí tuệ hiện nay là sử dụng dược phẩm. Tuy nhiên, gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thuốc không phải là cách cải thiện triệu chứng một cách toàn diện. Điều quan trọng của sự thành công trong điều trị sa sút trí tuệ là cải thiện về tâm lý bệnh nhân, tăng tiếp xúc xã hội của nhóm bệnh nhân này. Việc chăm sóc nên nhằm mục đích kích thích khả năng nhận thức, nâng cao tương tác xã hội và giảm các hành vi có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Có nhiều hoạt động được thử nghiệm như nấu ăn, nhóm trò chuyện và liệu pháp âm nhạc. Trong đó liệu pháp âm nhạc đã chứng minh rằng nó có thể đạt được những mục tiêu này.

Các nghiên cứu y học được thực hiện thời gian qua nhằm đánh giá ảnh hưởng của liệu pháp trị liệu dựa trên âm nhạc đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ được điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế và trung tâm dưỡng lão. Hiệu quả của phương pháp này dựa trên cảm xúc, chất lượng cuộc sống, triệu chứng rối loạn tâm trạng hoặc các vấn đề về hành vi và nhận thức xã hội.

Điều trị bệnh nhân sa sút trí tuệ dựa trên âm nhạc nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm lo âu trên bệnh nhân. (Ảnh: Quantrimang.com)

Đã có 22 nghiên cứu với 1097 người tham gia ngẫu nhiên, trong đó có 21 nghiên cứu với 890 người tham gia được đưa vào phân tích tổng hợp. Những người tham gia trong các nghiên cứu có chứng sa sút trí tuệ với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Hầu hết các can thiệp đều liên quan đến cả yếu tố âm nhạc chủ động và dễ tiếp thu. Bệnh nhân có thế được nghe nhạc, hoặc hát theo nhạc hoặc hát một mình. Phiên điều trị được thực hiện theo từng nhóm bệnh nhân và đánh giá hiệu quả được thực hiện sau ít nhất 5 phiên điều trị.

Các tác giả đã kết luận rằng, liệu pháp âm nhạc trên bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện các vấn đề hành vi sau khi kết thúc điều trị. Nó cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm lo âu. Nghiên cứu đánh giá trên bệnh nhân được điều trị tại trung tâm y tế nhưng hoàn toàn có thể mở ra hướng ứng dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng sa sút trí tuệ chưa được điều trị và chăm sóc tại bệnh viện, hoặc đang điều trị tại nhà.

Theo Cochrane Database of Systematic Reviews
Van der Steen, Netherlands
BS Lê Lan