Liệu pháp giác hơi có thể được dùng để chữa trị các chứng căng đau ở bộ vị, đầy hơi, đau dạ dày, trướng bụng, đau bụng, đau mỏi lưng, trầm cảm, béo phì… Ngoài ra, nó còn giúp loại bỏ bệnh tật, giải trừ nhiệt độc, khơi thông kinh mạch, thúc đẩy khí huyết, tiêu sưng giảm đau.

Nhờ tiện lợi, dễ thực hiện và thích hợp dùng trong gia đình, nên liệu pháp giác hơi đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian suốt mấy ngàn năm qua. Với dụng cụ là ống giác, giác hơi lợi dụng sức nóng hoặc hút chân không để hút hết không khí trong ống, tạo áp suất âm, gây nên hiện tượng ứ máu ở vùng da trong ống giác nhằm đạt mục đích trị liệu.

1. Tác dụng

Giác hơi giúp loại bỏ tà khí. (Ảnh: thanhhoangspa.odanang.com)

Thông qua áp suất âm, liệu pháp giác hơi tác động lên các kinh lạc, huyệt vị hoặc ổ bệnh. Cụ thể như sau:

Loại bỏ tà khí: Giác hơi có thể hút các loại tà khí như phong, hàn, mỡ, máu ứ, hoả nhiệt, mủ trong cơ thể ra ngoài qua lỗ chân lông để kinh lạc thông suốt.

Điều chỉnh khí huyết: Một trong những nguyên nhân của nhiều căn bệnh là mạch máu bị tắc nghẽn hoặc xơ cứng khiến lượng máu cung cấp cho các cơ quan giảm, còn quá trình bài tiết chất thải chậm lại. Giác hơi cho đến khi da ửng đỏ sẽ đẩy nhanh quá trình lưu thông máu và trao đổi chất trong cơ thể, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của tế bào, thay đổi độ giãn nở của mạch máu cùng tính thẩm thấu của niêm mạc, tăng tốc độ tuần hoàn của

bạch huyết cầu, nâng cao chức năng hấp thu của tế bào, hỗ trợ bài tiết dị vật và làm tan mỡ.

Phục hồi scân bằng cho hệ thần kinh: Liệu pháp giác hơi giúp hệ thần kinh hồi phục sự cân bằng, đồng thời làm giảm đau và tạo cảm giác dễ chịu, từ đó bệnh tình sẽ thuyên giảm.

2. Các loại ống giác hơi

Giác hơi với ống trúc điều hòa khí huyết. (Ảnh: Acupuncture Saigon Clinic)

Chủ yếu có 3 loại sau:

Ống giác hơi thủy tinh: loại này được làm bằng thủy tinh. Ưu điểm: chất liệu trong suốt, có thể quan sát rõ mức độ ứ máu của vùng da trong ống nên thuận tiện cho việc điều chỉnh thời gian.

Khuyết điểm: dễ vỡ.

Ống giác hơi bằng tre: loại này được làm từ các ống tre tròn, chắc. Ưu điểm: gọn nhẹ, rẻ, bền, vật liệu dễ tìm và dễ chế tạo. Khuyết điểm: không quan sát được mức độ ứ máu của vùng da trong ống.

Ống giác hơi chân không: loại này được làm bằng nhựa trong suốt, phía trên có gắn pít-tông để hút khí. Ưu điểm: điều chỉnh được áp suất trong ống, gọn nhẹ, tiện mang theo và không cần dùng lửa để đốt. Đây là loại khá an toàn, nên có thể được sử dụng rộng rãi.

3. Phương pháp

Giác hơi tại vị trí bị đau. (Ảnh: Fourchette & Bikini)

Giác hơi cục bộ: Giác hơi tại vùng bị đau. Cách này có thể áp dụng cho hầu hết mọi bộ vị trên cơ thể.

Giác hơi kết hợp vi trích máu: Dùng kim chích lên da kết hợp với giác hơi. Cách này có thể chữa được các chứng đau nhức mãn tính.

Giác hơi di động: Di chuyển ống giác theo các huyệt vị, kinh lạc trên cơ thể. Đầu tiên, thoa một lượng dầu kinh lạc vừa đủ rồi đặt ống giác lên vùng bệnh. Sau đó, rút không khí trong ống ra rồi di chuyển ống giác qua lại trên vùng da có bệnh làm xuất hiện các vết đỏ hoặc ứ máu. Có 2 cách di chuyển ống giác:

  • Di chuyển cục bộ: Di chuyển ống giác trong vùng bệnh.
  • Di chuyển theo kinh lạc: Di chuyến ống giác dọc theo các kinh mạch có liên quan đến vùng bệnh.

4. Thời gian

Thời gian giác hơi từ 5-30 phút. (Ảnh: Dermi Jan Health Care)

Thời gian giác thường dao động từ 5-30 phút tùy theo mức độ đỏ, bầm xuất hiện trên da và tình trạng bệnh. Thông thường, giác hơi cho đến khi da ửng đỏ sẽ giúp bổ sung khí huyết; còn giác hơi đến mức da tím bầm, đen sẽ giúp khơi thông kinh mạch. Nếu người có khí huyết hư nhược hay bị bệnh quá nặng thì chỉ nên giác hơi trong thời gian ngắn. Ngoài ra, sau khi giác hơi, bệnh nhân cần uống một ly nước nóng và nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút mới được ra về.

Liệu pháp giác hơi nhanh chóng làm giảm cơn đau căng, đồng thời còn trị được các chứng nhức đầu, đau bụng, đau bụng chóng mặt, đau nhức do phong thấp, đau do ung thư, trẹo cổ, vẹo lưng cấp tính… Nơi được chọn để giác hơi thường là vùng đau rõ rệt hoặc “điểm đau”. Đó là nơi khí huyết đình trệ nên có liên quan đến nhiều chứng bệnh.

5. Những vấn đề cần lưu ý

Giác hơi bằng lửa chú ý tránh làm bỏng gây tổn thương da. (Ảnh: Pages Jaunes)

– Liệu pháp giác hơi thích hợp cho những nơi có lớp cơ dày và diện tích lớn. Trước khi di chuyển ống giác hơi, ta nhất thiết phải thoa dầu kinh lạc lên da hoặc miệng ống để di chuyến dễ dàng, giảm đau và tránh làm tổn thương da.

– Nên di chuyển ống giác một cách chậm rãi, đều đặn. Phía sau miệng ống hơi ấn xuống, phía trước hơi nhấc lên để giảm lực ma sát khi di chuyển.

– Không được giác hơi ở những vùng da bị dị ứng, lở loét, phù thũng hay có mạch máu lớn.

– Khi lấy ống giác ra phải nhẹ nhàng, chậm rãi; một tay ấn xuống vùng da quanh miệng ống để khí tràn vào, tay còn lại từ từ nhấc ống lên, nhớ không được giật mạnh ống.

– Sau khi giác hơi, trên da sẽ xuất hiện những mảng máu bám, ứ. Nếu mức độ máu ứ quá nhiều thì ta không nên tiếp tục giác hơi ở vị trí này. Trong trường hợp cơ thể bị bệnh nặng hoặc giác hơi quá lâu khiến trên da xuất hiện các mụn nước, thì ta nên dùng kim chích vỡ chúng ra rồi dùng bông gòn sạch thấm hút chất dịch, tuyệt đối không được chạm tay vào, vài ngày sau chúng sẽ lành.

– Trên những vùng da được giác hơi thường xuất hiện các đốm tím tích máu, chạm vào thì thấy hơi đau. Thông thường, ở những người có sức khoẻ tốt các đốm này sẽ tự biến mất sau 2-3 ngày.

Minh Hoàng