‘Tiếp cốt, chính cốt’ tức nắn xương, bó xương là một trong 13 khoa của y học cổ truyền, dùng để trị liệu các tổn thương tới xương khớp. Không những vậy, một phương pháp cổ của Đông y vẫn được dùng đến nay. Trong đó là cách trị liệu thần kỳ mà ta khó tưởng tượng.
Câu chuyện về những cách trị bệnh xương khớp bằng y học cổ truyền của bác sĩ Đông y Đỗ Mỹ Hiền đến từ bệnh viện Đông y Đài Loan dưới đây là một ví dụ điển hình.
“Năm đó khi tôi và một giáo sư Đông y cùng xem mạch, ngày nọ có bệnh nhân là một chàng trai bị trật khớp cánh tay. Anh này có tiền sử bị trật khớp, lúc đi bơi cùng bạn, vì một động tác không cẩn thận nên bị. Khi đó, tôi thấy vị giáo sư bảo bệnh nhân nằm xuống đất và ngồi bên cạnh. Chỉ thấy ông kéo cánh tay cậu ta, và dùng chân đạp vào nách anh ta một cái, nghe thấy hai tiếng ‘cộp’, cánh tay bị chật lập tức hồi phục, không cần vào viện cũng không cần uống thuốc có thể ra về. Bởi anh ta thường xuyên bị tình trạng này, nên vị giáo sư khuyên anh ta nên dùng một số loại dược liệu bổ khí huyết để cải thiện”.
‘Tiếp cốt, chính cốt’ tức nắn xương, bó xương là một trong 13 khoa của y học cổ truyền, dùng để trị liệu các tổn thương từ ngoại lực bên ngoài tới xương khớp. Chính cốt bát pháp – mạc, tiếp, đoan, đề, án, ma, thôi, nã của danh y đời nhà Thanh – Ngô Khiêm vẫn được dùng đến ngày nay. Không những vậy, từ thời cổ đại có một số phương pháp nối xương thần kỳ mà thời nay khó tưởng tượng.
Liệu pháp nối xương thời cổ đại
Thuật nối xương bằng cành liễu khởi nguồn sớm nhất vào thời nhà Thương, Chu và được ứng dụng rộng rãi vào thời Chiến Quốc. Sử dụng được thủ thuật này phải là người có y thuật cao thâm mới có thể thực hiện. Phó Thanh Chủ, một trong sáu danh y nổi tiếng của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đã từng viết về trường hợp dùng cành liễu nối xương trong “Kim Châm độ thế”.
Danh y cắt cành liễu, bóc vỏ ra và gọt thành hình dạng xương. Sau đó cắt, mài chỗ xương gãy và cành liễu sao cho chúng khớp với nhau, rồi dùng máu gà đun sôi thoa vào hai đầu của cành liễu tại vị trí nối xương, đặt cành liễu ở giữa thay thế phần xương bị gãy. Sau khi đã bố trí cành liễu xong xuôi, các danh y sẽ rắc quặng đồng azurit tán nhỏ vào mô cơ để thúc đẩy phát triển cơ xương. Cuối cùng, danh y khâu chỗ đã giải phẫu lại, dùng thạch cao đắp vào, sau đó kẹp tấm ván gỗ để cố định lại chỗ gãy. Không những vậy, sau khi thực hiện thủ thuật, còn sử dụng Cam thảo thang, nước muối và Thảo ô tán để loại bỏ thuốc mê.
Trong rất nhiều cổ thư còn ghi chép về các trường hợp nối xương bằng đồng. Các danh y dùng mạt đồng tán nhỏ trộn với rượu cho bệnh nhân uống và bệnh lành dần. Sau khi bệnh nhân qua đời khi cải táng còn phát hiện xung quanh vị trí xương nối có mạt đồng. Trong các phương pháp trị liệu ngoại thương có rất nhiều bài thuốc dùng tới kim loại này, hiệu quả vô cùng rõ rệt.
8 phép chính cốt của Đông y
Trong Y tông kim giám phần chính cốt tâm pháp yếu chỉ, danh y Ngô Khiêm đời Thanh đã tổng kết các phương pháp chính cốt chủ yếu của Đông y bao gồm: Mạc, tiếp, đoan, đề, án, ma, thôi, nã. Được hậu thế gọi là ‘Chính cốt bát pháp’
1. Mạc pháp
Đây là thủ pháp đầu tiên trong ‘Chính cốt bát pháp’. Trong tiếng Trung Quốc, ‘Mạc’ nghĩa là sờ, tìm tòi. Chính là cách tìm hiểu mức độ nặng nhẹ, nông sâu của vết thương, kết hợp với các phương pháp chẩn mạch khác làm căn cứ để chẩn đoán trị liệu.
Trước tiên, các thầy thuốc sẽ dùng tay kiểm tra thật kỹ vị trí bị tổn thương, chẩn đoán nguyên nhân bệnh, ví dụ: Gãy hoàn toàn, gãy nhiều mảnh, gãy di lệch sang một bên, gãy lún mất xương, gãy phình vỏ xương cứng; cân cường (mạnh, cứng), cân nhu (mềm), cân oai (lệch), cân chính (ngay ngắn), cân đoạn (đứt), cân thô (to, thô ráp), cân phiên (lật), cân hàn (lạnh), cân nhiệt (nóng); là tổn thương mới hay cũ. Trước tiên cần kiểm tra để biết tổn thương do bị ngã hay vận động sai tư thế làm đau khớp hoặc va đập, từ đó có phương pháp trị liệu.
2. Tiếp pháp
Nối lại đoạn xương bị gãy hồi phục như ban đầu. Nếu bị ngã trọng thương xương bị gãy đứt làm hai phần, gãy lún mất xương, phình vỏ xương cứng, hoặc gãy nhiều mảnh. Cần quan sát hình dạng vết thương và nối ghép lại như ban đầu. Các hình thức gãy và thể di lệch điển hình của gãy xương cũng rất phức tạp. Tiếp pháp là tên gọi chung của phương pháp phục vị lại các tổn thương gãy.
3. Đoan pháp
Là phương pháp trị liệu gãy xương và trật khớp. Chủ yếu thông qua thao tác, để tăng góc của đầu gãy và phóng to biến dạng, để vết gãy có thể phục vị về ban đầu. Phương pháp là dùng hai tay hoặc một tay cố định ở một đầu, cân nhắc mức độ nặng nhẹ, hoặc đầu từ dưới hướng lên trên, từ ngoài vào trong, hoặc thẳng, hoặc nghiêng. Cần có phương pháp để cố định điểm đầu giúp xương mau liền, khi nối cần chú ý không nghiêng lệch, tránh hiện tượng dài ngắn không đều.
4. Đề pháp
Còn được gọi là Khiên dẫn pháp, là phương pháp cần có khi điều trị chấn thương ở xương và trật khớp. Đây là phương pháp làm thẳng xương. Xương bị gập không thể hồi phục, bị gãy làm nhiều mảnh, bị trật khớp đều có thể dùng phương pháp này. Khi ứng dụng lâm sàng cần thực hiện ứng dụng trị liệu linh hoạt.
Đây là phương pháp hỗ trợ giúp xương lõm xuống dưới có thể hồi phục vị trí ban đầu. Phương pháp thực hiện có nhiều loại, có thể dùng hai tay của bệnh nhân, dùng dây lụa buộc chặt sau đó dùng công cụ hỗ trợ để vị trí gãy không bị rơi xuống. Cần điều trị các vết thương từ nhẹ tới nặng, từ nông tới sâu. Nếu không dù vết thương cũ hết lại xuất hiện thương tổn mới.
5 – 6. Án, ma pháp
Án pháp là phương pháp dùng cả hai tay ấn xuống vị trí bị thương, tác dụng hỗ trợ làm giảm sưng, thúc đẩy lưu thông máu và giảm đau. Ma pháp là phương pháp dùng bàn tay từ từ xoa bóp chỗ đau, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, giảm đau. Thích hợp sử dụng với các chấn thương ở da và cơ, như bị sưng, tê bì, áp xe cứng nhưng xương chưa gãy. Hoặc có thể điều trị các trường hợp vết thương bị tụ máu, sưng, đau do té ngã, nối xương sai cách dẫn tới khí huyết uất trệ. Dùng Án pháp để kích hoạt kinh lạc giúp thông uất khí. Dùng Ma pháp để loại bỏ sưng kết và hỗ trợ cho bệnh nhân mau lành bệnh. Hai phương pháp thường được sử dụng kết hợp, thường được sử dụng cho chấn thương mô mềm, gãy xương và điều trị sau trật khớp.
7- 8. Thôi, nã pháp
Thôi nã là một liệu pháp thân thể (bodywork) của châu Á được sử dụng ở Trung Quốc từ hàng thế kỷ qua và là kỹ thuật mát-xa cổ xưa nhất được biết đến hiện nay. Giống như nhiều phương pháp khác, kỹ thuật thôi nã cũng được miêu tả trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh. Dịch theo nghĩa đen nó có nghĩa là ‘đẩy và nắm’ trong tiếng Trung Quốc và là một phương thức trị liệu quan trọng trong các liệu pháp của Y học Truyền Thống. Thôi pháp là dùng tay đẩy về vị trí cũ. Nã pháp là dùng hai tay hoặc một tay bóp vào vị trí đau, khai thông kinh lạc và dần đưa vị trí tổn thương ổn định về trạng thái ban đầu.
Người mát-xa sẽ không chỉ sử dụng bàn tay để thao tác lên tay, chân, và lưng của bạn, mà còn sử dụng khuỷu tay và đầu gối trong nhiều thao tác bao gồm ép, ấn, đấm, bóp, và gõ nhẹ lên người để kích thích các huyệt vị trong quá trình thực hiện. Nếu chỗ sưng đau đã được trị liệu, vết thương đã lành nhưng gân cơ vẫn chưa thể hồi phục về trạng thái bình thường, khí huyết vẫn chưa thông suốt, thì sử dụng liệu pháp này là hoàn toàn phù hợp. Nếu người bệnh có vấn đề về chứng loãng xương hoặc tình trạng rạn nứt xương, nhiễm trùng, vấn đề về da hoặc một vết thương hở, thì không nên sử dụng.
Việc trị liệu chấn thương xương khớp của y học cổ truyền Trung Quốc chủ yếu là sử dụng chính cốt thủ pháp để hồi phục về vị trí cũ. Định vị nẹp cục bộ, sử dụng thuốc Đông y ngoài thoa trong uống và tập luyện phục hồi chức năng. Hiện nay, đã tổng hợp tóm tắt được thành một bộ lý thuyết tương đối đầy đủ, khoa học về lý luận và phương pháp trị liệu. Chúng được chia làm ba giai đoạn và có tác dụng tích cực trong việc hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Đông y phân chia quá trình gãy và phục hồi xương thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là khoảng 2 tuần đầu khi mới bị gãy. Vào tuần đầu tiên ở vị trí tổn thương sẽ bị ứ máu cục bộ và tụ máu, sưng đau. Nên dùng các loại thuốc để hoạt huyết hóa ứ, lưu thông khí huyết và giảm đau. Giai đoạn giữa là từ tuần thứ 2 – 4, vị trí ứ máu sẽ sưng lên, đầu đoạn bị gãy ban đầu đã dần liền lại. Phương pháp trị liệu lúc này cần nối xương, tiếp gân và khai thông kinh lạc. Giai đoạn cuối là từ tuần thứ tư sau khi bị gãy cho tới khi hồi phục. Đây là giai đoạn cần bổ khí dưỡng huyết, bồi bổ Can Thận. Mặc dù liệu pháp trị liệu này có tính nguyên tắc và đều đặn, nhưng nó có thể áp dụng linh hoạt. Nó không thể câu nệ bất biến, cần căn cứ vào thể lực từng bệnh nhân và vị trí gãy để có cách trị liệu phù hợp.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Video hay