Khi bé được tập thói quen ăn uống từ nhỏ, lớn lên sẽ khỏe mạnh hơn. Cách cho ăn đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng tới con sau này. Dưới đây là những cách cha mẹ nên tập để con có thói quen ăn uống lành mạnh. Bắt đầu với việc giới thiệu các nhóm thực phẩm, dinh dưỡng đúng với nhu cầu.
Cách giúp con thích ăn rau củ
Phần lớn các bé từ 4 đến 8 tuổi không đạt được khuyến cáo về lượng thức ăn tốt cho sức khỏe mỗi ngày, đặc biệt là rau, hạt. Một trong những nguyên nhân chính là các mẹ gặp khó khăn trong việc nói với con về những loại thức ăn này.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, việc lặp đi lặp lại những câu giải thích về lợi ích của thức ăn trong lúc trẻ đang ăn giúp trẻ có khuynh hướng ăn những món này dễ hơn và thích những món ăn này hơn sau 6 tuần. Một số những câu giải thích được dùng trong nghiên cứu là “đậu giúp con chạy nhanh và nhảy cao hơn con nhé”, “con có biết rau và trái cây giúp con không bị bệnh không”…
10 cách tập cho trẻ thói quen ăn uống khỏe mạnh
1. Không gắn nhãn thực phẩm là tốt hay xấu
Cha mẹ hãy đặt những món ăn tốt cho sức khỏe trong tầm tay và giải thích rằng những thực phẩm này tốt như thế nào. Ví dụ như thịt nạc có protein, sữa có canxi sẽ giúp bé mạnh hơn khi chơi thể thao ở trường.
Đừng cấm bé không được ăn món này hay món khác. Nghiên cứu cho thấy trẻ lớn lên sẽ có xu hướng tiêu thụ lượng lớn các thực phẩm mà trẻ bị cấm cản lúc còn nhỏ (ví dụ: bố mẹ khẳng định cấm con không được ăn bất kỳ đồ ngọt nào). Vì trẻ dễ bị thu hút và tò mò hơn khi trẻ chưa bao giờ được thử. Vì vậy, cho trẻ ăn uống cân bằng là cách tốt nhất. Trong các dịp như lễ, tết, sinh nhật, con có thể ăn bánh kẹo, đồ ngọt, và trẻ sẽ tự nhận thấy rằng bánh kẹo chỉ có trong các dịp đặc biệt, không phải là thức ăn bổ dưỡng hằng ngày.
2. Hãy ân cần, nhẫn nại khi tập cho con ăn
Nên ngồi ăn cùng con để hướng dẫn cụ thể cách ăn uống và làm gương cho bé khi lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng trong mỗi bữa ăn. Hãy cho bé một khay thức ăn với nhiều loại đa dạng để con biết mình muốn và cần ăn gì, đồng thời kích thích cảm giác ngon miệng và hào hứng của con.
Việc đút cho con ăn là cần thiết khi bé còn quá nhỏ chưa thể tự mình xúc thức ăn bỏ vào miệng. Tuy nhiên, đối với bé trên 2 tuổi, hành động này sẽ khiến bé cảm thấy bị ép buộc theo ý muốn của người lớn, dần dần làm bé trở nên phụ thuộc, thiếu độc lập.
Một sai lầm thường gặp khác là các mẹ thường bật tivi hoặc đưa đồ chơi để con phân tán sự chú ý và tranh thủ đút. Cách này làm bữa ăn của bé ngày càng phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài, về lâu dài còn ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé.
3. Cung cấp dinh dưỡng cần thiết theo từng độ tuổi
Mỗi loại thực phẩm sẽ cung cấp nguồn dưỡng chất cần thiết giúp bé phát triển thông minh, cao lớn và khỏe mạnh. Nguồn thực phẩm có tác dụng chính trong việc tăng sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch cho trẻ như thịt, cá, các loại hải sản, sữa chua, trái cây, rau xanh… Nguồn dinh dưỡng kích thích chiều cao của trẻ là thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, các loại đậu… Những thực phẩm chứa chất phốt pho và axit béo omega-3-6-9 cần thiết cho hoạt động của não bộ, giúp trẻ thông minh, nhớ lâu có dồi dào trong: cá hồi, quả óc chó, bắp cải, đậu phụ, các loại hạt, ngũ cốc…
Với các bé từ 2 tuổi trở lên, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng.
4. Dự tính lượng thức ăn theo nhu cầu của con
Cho con ăn vừa đủ với nhu cầu và độ tuổi là tốt nhất. Ép bé ăn nhiều sẽ khiến con mất cảm giác ngon miệng, thậm chí là chán ăn, sợ thức ăn. Vậy làm sao để biết con đã ăn đủ nhu cầu hay chưa? Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nếu khẩu phần ăn đủ so với nhu cầu của cơ thể thì tình trạng dinh dưỡng phát triển tốt, nếu không thì cơ thể phản ứng nhanh nhất là cân nặng giảm, nếu kéo dài sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng. Để tăng cường thức ăn trẻ tiêu thụ, cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ lượng thức ăn lớn hoặc đồ ăn giàu năng lượng như: pho-mát, mì, nui…
5. Khuyến khích con thử món mới
Khi mẹ nấu món mới, hãy động viên con nếm thử một ít trước và đưa ra đánh giá của con trong thang điểm từ 1 đến 10. Thay vì nói dối về món ăn, bố mẹ cứ nhẹ nhàng khuyến khích con như “cải xanh rất tốt cho em bé, con ăn thử với mẹ nhé”.
Hãy khen ngợi nếu bé chịu ăn món mới. Món ăn tốt cho sức khỏe và được điểm cao mẹ hãy cho bé ăn thường xuyên, nếu con không thích thì đừng thất vọng và ép bé ăn nhiều.
Mẹ có thể áp dụng nguyên tắc “mầm đá” mỗi khi muốn cho con thử món mới, đó là cho bé thử ăn khi con thật đói bụng. Lúc đó bé không có nhiều lựa chọn và sẽ cảm thấy món ăn này thật ngon miệng.
6. Không đưa ra phần thưởng nếu con ăn nhiều hơn
Trong một nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, trẻ được yêu cầu ăn rau và uống sữa, phần thưởng cho chúng là được xem ti vi. Kết quả, nếu bạn ra điều kiện là một phần thưởng để trẻ ăn thì chúng sẽ không thích những thức ăn này. Hơn nữa điều này còn làm nảy sinh tâm lý vì được thưởng nên ăn chứ không phải vì bé thích món ăn đó hay món ăn tốt cho sức khỏe.
7. Giới hạn thời gian ăn cho con
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, không nên kéo dài bữa ăn của trẻ quá 30 phút với bất kỳ lý do gì. Bởi quá 30 phút thì thức ăn cũng nguội, nhiều khi còn bị vữa nên bé khó ăn hơn, lúc này trẻ cũng rất khó tập trung vào bữa ăn. Vì vậy khi tới bữa, mẹ hãy để bé tự quyết định ăn hay không ăn, nhưng hết giờ thì nên dọn ngay.
8. Động viên trẻ tăng cường hoạt động thể lực
Đây là cách giúp con có một cơ thể dẻo dai và việc ăn uống cũng trở nên dễ dàng hơn vì trẻ vận động nhiều sẽ mau đói và có cảm giác ăn uống ngon miệng hơn, mỗi ngày nên khuyến khích trẻ rèn luyện thể lực khoảng 30 phút bằng những động tác tập luyện phù hợp với lứa tuổi của trẻ như đạp xe đạp, bơi lội, đá bóng trong sân, đi bộ với cha mẹ…
Với những trẻ lớn nên khuyến khích trẻ tham gia hoạt động“nấu nướng”trong bếp cùng với cha mẹ vừa tạo điều kiện giúp trẻ vận động và là cơ hội giúp trẻ hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng từ các món ăn, làm trẻ hứng thú hơn với việc ăn uống của mình.
9. Tạo không khí gia đình trong bữa ăn
Phụ huynh nên duy trì không khí bữa ăn gia đình cùng với trẻ, điều này giúp trẻ tập dần các kỹ năng ăn uống như tập cho trẻ cầm muỗng đũa, tập cho trẻ biết tự đút ăn, tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp trên bàn ăn cùng với người lớn… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã chứng minh khi trẻ ăn chung với gia đình trong không khí đầm ấm trẻ thường ăn được nhiều hơn, phát triển các giác quan và trí não một cách hoàn thiện nhất.
10. Cho trẻ ngồi đúng cách khi ăn
Đây là cách giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt nhất, nên chọn một ghế ngồi thẳng lưng có phần dựa phía sau, ghế trẻ ngồi phải ngang tầm với vị trí thức ăn để con có thể ăn uống dễ dàng. Ghế ngồi phù hợp sẽ giúp các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa giãn nở tối đa làm cho thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa và hấp thu, giúp trẻ tránh được những phiền toái do đầy hơi, chướng bụng hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa gây ra.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Sức khỏe đời sống