Đại Kỷ Nguyên

Những lý do bạn nên bổ sung quế vào thực đơn hằng ngày

Từ xa xưa, quế đã là một trong 4 vị thuốc quý (tứ bảo) của Đông y: Sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, phạm vi sử dụng của nó càng nhiều, đây không chỉ là thảo dược quý của Đông y mà còn là gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn hấp dẫn.

Quế có tên khoa học là Cinnamomumn cassia, Việt Nam là một trong những nước trồng nhiều quế, hàng năm xuất khẩu hàng trăm tấn quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu quế. Theo Đông y, nó được sử dụng trong các bài thuốc, thức ăn chữa cảm lạnh, chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng kinh. Loại thảo dược này có hương vị ngọt, cay và mùi thơm đặc trưng đồng thời là nguồn cung cấp các khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và magie. Nó chứa một lượng cao vitamin A, niacin, axit pantothenic, pyridoxine, chất xơ và chất chống oxy hoá.

Quế cũng là nguyên liệu chính để làm rất nhiều loại bánh. Tại Nhật, vào dịp Tết, lễ hội không thể thiếu bánh Yatsuhashi với thành phần chính là bột nếp, đậu đỏ, bột quế, đậu nâu, đậu tương. Quế còn được xem là một trong những món ăn yêu thích của Mỹ, món bánh táo với lớp vỏ giòn bùi, kết hợp với nhân táo mềm mại cùng vị quế thơm lừng. Dưới đây là những lý do bạn nên cho quế vào thực đơn hằng ngày được tạp chí ENA (European Nursery stock Association) tổng hợp.

Bánh Yatsuhashi rất phổ biến tại Kyoto có hương vị quế thơm ngon độc đáo. (Ảnh: noithatmagazine.vn)

Tác dụng trị bệnh của quế

1. Chống tắc nghẽn mạch máu, đông máu: Hợp chất Cinnamaldehyde trong quế có tác dụng làm lưu thông máu, hỗ trợ ngừa máu đông và vón cục từ đó giảm nguy cơ đột tử về tim mạch. Đây là thảo mộc rất tốt cho người bị tim mạch.

2. Giảm cholesterol: Bổ sung 1g quế hoặc nửa thìa quế liên tục 40 ngày trong các bữa ăn có thể giúp giảm lượng cholesterol đáng kể. Quế cũng giúp giảm lượng cholesterol LDL xấu và triglycerides (acid béo trong máu).

3. Bổ não: Quế có thể hỗ trợ kích thích hoạt động của não, giúp loại bỏ căng thẳng thần kinh cũng như suy giảm trí nhớ. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, ngửi quế làm tăng nhận thức, trí nhớ hiệu quả, tăng khả năng tập trung và nhạy bén.

3. Bệnh tim mạch: Quế giúp củng cố sức khỏe hệ tim mạch vì thế tránh cho cơ thể khỏi các rắc rối liên quan tới tim mạch. Cho 1 lượng quế nhỏ khi chế biến đồ ăn rất tốt cho những người mắc bệnh động mạch vành và bệnh cao huyết áp.

4. Giảm đường máu và trị bệnh tiểu đường type 2: Nhiều nghiên cứu cho thấy dùng nửa thìa quế mỗi ngày giúp cải thiện mức độ nhạy cảm insulin và điều chỉnh lượng glucose trong máu. Quế giúp điều chỉnh lượng đường máu bằng cách tăng cường tiêu hóa glucose, kích thích hấp thụ insulin tốt cho cơ thể. Khi mức insulin được cải thiện, cân nặng và bệnh tim mạch sẽ được kiểm soát. Theo Trung tâm nghiên cứu Dinh dưỡng Beltsville, Maryland (Mỹ), việc dùng một lượng quế nhỏ mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa các biến chứng trên. Nó còn làm trì hoãn thời điểm khởi phát bệnh ở những người có nguy cơ cao. Người bệnh có thể thêm một vài miếng quế vào bữa điểm tâm, dùng với cà phê, nước hoa quả hoặc ngũ cốc. Thậm chí đun một thanh quế với nước, pha trà uống hằng ngày.

5. Điều trị các vấn đề về hô hấp: Quế rất hữu ích với người mắc cảm mạo. Những người bị cảm lạnh, ho dai dẳng, viêm xoang có thể ăn hỗn hợp 1 thìa mật ong trộn với ¼ thìa quế 3 ngày liên tục sẽ có hiệu quả. Quế cũng giúp điều trị cảm cúm, đau họng và chứng sung huyết.

6. Tốt cho hệ tiêu hóa: Quế giúp giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn. Lượng chất xơ cao trong quế có thể trợ giúp cho những người bị hội chứng ruột kích thích. Đây cũng là thảo dược hỗ trợ rất hiệu quả với chứng khó tiêu, buồn nôn, rối loạn dạ dày, tiêu chảy và chứng đầy hơi.

Quế giúp tăng trí nhớ và khả năng nhận thức của não bộ. (Ảnh: cayqueyenbai.com)

7. Ngừa sâu răng và sạch miệng: Từ lâu quế đã được biết đến là một thảo dược rất tốt trong việc điều trị sâu răng và hơi thở có mùi. Chỉ cần nhai một mẩu quế nhỏ hay súc miệng với nước ngâm thảo dược này cũng giúp sạch miệng và mang lại hơi thở thơm tho. Trong một số loại keo cao su hay nước súc miệng thường dùng nó vì làm sạch miệng tốt, sát khuẩn và loại bỏ được mùi hôi của hơi thở.

8. Giảm đau do viêm khớp: Mới đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng quế hoạt động như một phương thuốc tự nhiên giúp điều trị chứng đau do viêm khớp. Nghiên cứu của trường đại học Copenhagen cho thấy: nếu dùng nửa thìa bột quế và 1 thìa mật ong mỗi sáng sẽ giúp giảm đau khớp đáng kể (sau 1 tuần sử dụng) và có thể đi lại không đau (sau 1 tháng dùng).

9. Chống ung thư: Quế có thể hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ ung thư ruột kết. Theo kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học Mỹ thuộc US Department of Agriculture, bang Maryland công bố, quế có thể giảm thiểu sự lây lan của các tế bào ung thư.

10. Hỗ trợ bảo quản thực phẩm: Cho lượng quế nhỏ vào chế biến thực phẩm giúp ngăn ngừa sự phát triển và sinh sôi của vi khuẩn vì thế giúp bảo vệ thức ăn tươi ngon hơn.

11. Giúp cai thuốc lá: Bất cứ khi nào thèm thuốc lá, hãy lấy một mảnh quế chi và nhai trực tiếp hoặc uống trà quế để giảm cơn thèm thuốc.

12. Hỗ trợ chống béo phì: Theo nghiên cứu của đại học Michigan (Mỹ), loại gia vị phổ biến này có thể giúp mọi người giảm cân cũng như cải thiện trao đổi chất bằng cách kích thích các tế bào mỡ đốt cháy năng lượng.

Bài thuốc dân gian trị bệnh từ quế

* Trị đau họng: Có thể thêm một thanh quế vào nước sôi. Sau đó tiếp tục đun sôi khoảng 2 phút. Vớt ra và sử dụng nước cho vào bất kỳ loại trà thảo dược hay trà xanh uống hằng ngày.

* Trị đau vùng tim, buồn bực, phiền não: Nhục quế 20g nghiền nhỏ, dùng rượu 100ml sắc còn 50ml uống nóng.

* Trị đau bụng, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn: Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 4kg với nước ấm hoặc rượu càng tốt.

Theo nghiên cứu mới của Đại học Michigan, quế có thể giúp mọi người giảm cân cũng như cải thiện trao đổi chất bằng cách kích thích các tế bào mỡ đốt cháy năng lượng. (Ảnh: m.blog.naver.com)

* Trị đau thắt lưng viêm cột sống do phong thấp, viêm cột sống dạng thấp, đau do chấn thương và đau lưng chưa rõ nguyên nhân: Dùng bột Nhục quế, mỗi lần uống 5g ngày 2 lần, liệu trình 3 tuần.

* Trị hàn lạnh, eo lưng đau, miệng lưỡi xanh, người cảm thấy rét run, mạch huyền khẩn: Nhục quế 12g, Phụ tử 1g, Đỗ trọng 8g, sắc uống nóng.

* Trị bị ngã, bị đánh, bị thương trong bụng có máu ứ: Nhục quế 80g, Đương quy 80g, Bồ hoàng (cỏ nến) 100g. Tán nhỏ uống ngày ba lần, đêm 1 lần với rượu, mỗi lần 1 thìa cà phê.

* Trị sâu răng: Quế đã được biết đến với tác dụng giúp giảm đau nhức răng. Đơn giản chỉ cần thực hiện một miếng dán sử dụng 5 muỗng cà phê mật ong trộn với 1 muỗng cà phê bột quế. Dùng hỗn hợp bột này đắp trực tiếp lên răng đau 2 hoặc 3 lần/ngày cho đến khi cơn đau thuyên giảm.

* Trừ mùi hôi chân do đi giày: Dùng bột quế cho vào giày, dùng miếng lót mỏng phủ lên, có tác dụng giảm và trừ được mùi hôi chân.

* Trị lạnh chân: Một số người về chiều tối thường bị lạnh chân, dẫn đến khó ngủ, dùng loại hài có tẩm bột quế giúp bớt hoặc hết lạnh chân, đêm về ngủ ngon giấc.

Dù không biết quế có nhiều công dụng nêu trên, nhấm nháp một miếng quế thơm, sẽ thấy hương vị cay cay dễ chịu. Đó là lý do giữa bao nhiêu là nguyên liệu quý, nó vẫn được ưa chuộng.

Lưu ý khi sử dụng

Quế có tác dụng chống đông máu vì thế nên thận trọng khi sử dụng nó khi kết hợp với các sản phẩm làm loãng máu như aspirin.

Phụ nữ mang thai nên tránh dùng quế số lượng lớn vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến tử cung.

Trong quế cũng chứa một số chất có thể biến thành độc tố nếu ở hàm lượng cao, vì thế người dùng cần thận trọng. Cần nhớ khi dùng quế là “1g mỗi ngày là an toàn”.

Kiên Định t/h

Exit mobile version