Đại Kỷ Nguyên

Nước mắt giúp bạn gột rửa cả thể xác lẫn tâm hồn, hãy rơi lệ tự nhiên khi cần, đừng kìm nén

Dẫu là nam nhi cương cường hay nữ giới yếu mềm, ai cũng có lúc từng phải khóc. Có thể là khi kết thúc một mối tình, thất bại trong công việc, hay thậm chí khi xem phim. Nhưng ít ai biết những giọt nước mằn mặt lăn trên má đó lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ. Chúng ta sản xuất ra khoảng 300ml nước mắt mỗi ngày và khoảng 115 lít nước mắt mỗi năm. Tất nhiên không phải do ngày nào bạn cũng ‘mít ướt’ vì nước mắt được sinh ra còn đóng vai trò sinh lý quan trọng đối với cơ thể.

Dưới đây là 7 công dụng “phòng thân” của nước mắt, hãy rút ra sử dụng ngay khi cần.

1. Nước mắt bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”

Chức năng cơ bản của tuyến lệ đó là bảo vệ đôi mắt, giúp tăng cường thị lực.

Nước mắt có chứa lysozyme -chất cũng có trong sữa người, tinh dịch, chất nhày và nước bọt -có thể tiêu diệt 90 – 95% số vi khuẩn ngay trong vòng 5 – 10 phút.

Một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Food Microbiology thấy rằng nước mắt có khả năng kháng khuẩn mạnh đến mức thậm chí có thể bảo vệ chống lại bệnh than.

Lysozyme có thể tiêu diệt một số vi khuẩn bằng cách phá hủy màng tế bào vi khuẩn – lớp vỏ cứng có tác dụng bao bọc bảo vệ vi khuẩn.

2. Loại bỏ dị vật bay vào mắt

Bụi bay vào mắt (Ảnh: Camnangdoisong.net)

Không chỉ có tác dụng rửa nhãn cầu mắt và mí mắt, nước mắt còn ngăn sự mất nước của niêm mạc.

Khi một vật thể như khói, bụi, cát… xâm nhập vào mắt, các dây thần kinh ở giác mạc sẽ phản ứng đến não. Sau đó não sẽ gửi trở lại một loại hormone bảo vệ đến mí mắt, giúp sản sinh ra nước để loại bỏ vật thể này.

3. Tăng khả năng giao tiếp

Sự đồng cảm (Ảnh minh hoạ)

Ngoài tăng cường sức khỏe thể chất, khóc cũng có thể giúp một người nào đó xây dựng các mối quan hệ. Khóc có thể biểu đạt những ngôn từ mà bạn không thể thể hiện bằng lời, nhất là trong một mối quan hệ.

Điều này hay gặp nhất khi một người có phản ứng lạnh lùng cho đến khi nước mắt người kia bắt đầu tuôn ra, anh ta hiểu ra nó đáng tin. Mặc dù vậy, người ta vẫn có thể giả khóc nhưng rất khó làm và dễ phân biệt.

4. Cải thiện tâm trạng

Khóc giúp bạn giải toả nhưng phiền muộn trong lòng (Ảnh minh hoạ)

Một nghiên cứu năm 2008 của trường Đại học Nam Florida thấy rằng khóc là cách để tự xoa dịu và nâng đỡ tâm trạng tốt hơn mọi loại thuốc. Rơi nước mắt đã cải thiện được tâm trạng ở gần 90% số người khóc so với 8% cho biết việc khóc khiến họ càng cảm thấy tệ hơn.

Những người lo âu hoặc rối loạn cảm xúc khó nhận được tác dụng tích cực từ việc khóc.

5. Giảm stress

Căng thẳng, áp lực (Ảnh: Familydoctor.org)

Khóc là một cách an toàn và hiệu quả để giải tỏa stress mà nếu không có thể dẫn đến những vấn đề như đau đầu hoặc cao huyết áp. Nó giúp bạn đương đầu tốt hơn với những cảm giác tiêu cực, căng thẳng và thất vọng, cho dù hoàn cảnh vẫn y nguyên như vậy.

Nguyên nhân là những giọt nước mắt do stress tạo ra sẽ giúp cơ thể đào thải những chất làm tăng cortisol, một hoóc môn stress.

6. Giảm nguy cơ bệnh tim

Nước mắt có thể loại bỏ một số chất hóa học bị tích tụ trong cơ thể do căng thẳng. Nén khóc còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường loại 2 và béo phì.

7. Giải phóng các độc tố sinh hóa

Hãy khóc như đứa trẻ

Khi bạn có cảm xúc tiêu cực, sự suy sụt về tinh thần cũng sẽ dẫn đến thể xác kiệt quệ. Đó không đơn giản chỉ là do bạn chán ăn gì đó mà xác thực là cơ thể tiết ra rất nhiều độc tố gây hại khắp cơ thể.

Nghiên cứu đã cho thấy giống như các quá trình ngoại tiết khác, như hô hấp, đi tiểu và ra mồ hôi, các chất độc được giải phóng ra khỏi cơ thể khi ta khóc.

Ngoài ra, nó cũng chứa các hoóc môn hướng vỏ thượng thận và endorphin leucine-enkephalin, có tác dụng giảm đau.

Chính vì vậy, khóc thực sự giúp bạn làm sạch cả về tâm hồn và thể xác. Không nên tốn sức “kìm nén” cảm xúc mà lại tổn thương chính mình.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version