Rau ngót là loại thực phẩm quen thuộc dùng để chế biến nhiều món ăn, có mặt ở hầu hết các vùng miền của nước ta. Không những vậy, rau ngót còn có nhiều tác dụng chữa bệnh đáng quý như: chữa sót nhau thai, chữa tưa lưỡi, lợi sữa…
Cây rau ngót còn có tên gọi khác như bù ngót, bồ ngót. Tên khoa học là Sauropus androgynus (L) Merr, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Rau ngót thường mọc hoang, trồng ở khắp các vùng Việt Nam để lấy lá làm rau ăn, nấu canh. Để dùng làm thuốc người ta thường chọn cây từ 2 năm tuổi trở lên.
Trong rau ngót có chứa 3,4% gluxit, 5,3% protit, 2,4% tro trong đó chủ yếu là vitamin C (185mg%), photpho (64,5mg%), canxi (169mg%). Rau ngót chứa rất nhiều axit amin thiết yếu, cứ 100g rau thì có 0,13g metionin, 0,16g lysin, 0,25g phenylalanin, 0,05g tryp-tophan, 0,17g valin, 0,34g treonin, 0,17g izoleuxin và 0,24g leuxin.
Theo Đông y, rau ngót tính mát, vị ngọt, không độc; dùng làm thuốc trị sót rau, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa táo bón… Sau đây là một số bài thuốc từ rau ngót:
1. Chữa sót nhau thai
Bà mẹ sau khi sinh con, phụ nữ nạo phá thai, vì nguyên nhân nào đó nhau thai còn sót lại trong tử cung thì dùng cách sau: Lá rau ngót 40g rửa sạch, giã nát. Cho vào 100ml nước đã đun sôi để nguội. Vắt ra chia làm 2 lần uống, mỗi lần uống cách nhau 10 phút. Sau chừng 15-20 phút nhau sẽ ra. Một số kinh nghiệm dân gian còn giã nát rau ngót, đắp vào gan bàn chân, sau khi nhau bong ra thì tháo rau khỏi chân.
Tuy nhiên, nếu sót nhau có nhiễm khuẩn, sốt cao: Có thể dùng nước lá rau ngót uống từ 7 – 10 ngày nhau thai còn sót ở tử cung bị tống ra ngoài và bệnh nhiễm khuẩn sẽ giảm, khỏi: mỗi lần dùng 50g lá rau ngót tươi, rửa sạch, giã nát, đổ nước đun sôi để nguội, gạn lấy nước 100 – 200ml, ngày uống 2 – 3 lần.
Những bài thuốc trên không những đẩy nhau thai còn sót lại, mà còn giúp sản phụ nhanh hết sản dịch còn đọng lại trong buồng tử cung.
2. Chữa tưa lưỡi
Trẻ bú mẹ, có thể bị tưa lưỡi do cặn sữa, làm trẻ đau khó bú. Lấy từ 5-10g lá rau ngót tươi, giã vắt lấy nước. Thấm bông bôi lên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ, khoảng 2 ngày sau là bú được.
3. Táo bón, đổ mồ hôi trộm ở trẻ em
Lá rau ngót 30g, bầu đất 30g, bầu dục lợn 1 quả mang nấu canh cho trẻ ăn.
4. Trẻ đái dầm
Lá rau ngót tươi dùng 40g rửa sạch giã nát, chế thêm 1 ít nước đun sôi đã để nguội. Gạn lấy nước trong chia làm 2 lần uống cách nhau 10 phút.
5. Lợi sữa, tốt cho phụ nữ sau khi sinh
Lá rau ngót được dùng để khơi thông dòng sữa của mẹ mới sinh, giúp tăng lượng sữa nhờ hợp chất sterols có tính chất estrogen. Phụ nữ sau sinh nên dùng rau ngót để bổ âm, sinh tân dịch, giúp bù lại phần âm huyết hư tổn và tân dịch mất trong quá trình sinh. Có thể dùng nấu canh với thịt nạc heo băm (hoặc móng giò) ăn cùng cơm. Tuy nhiên, cần lựa chọn những lá rau ngót sạch và an toàn vệ sinh.
Những lưu ý khi sử dụng rau ngót cần phải tránh
Gây mất ngủ
Đài Loan đưa ra một báo cáo về việc uống nước ép rau ngót (150g) mỗi ngày trong thời gian dài từ 2 tuần đến 7 tháng đã gây ra tác dụng phụ là mất ngủ, khó thở và kém ăn. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ biến mất sau 1 ngày ngưng sử dụng rau ngót.
Gây sảy thai
Rau ngót chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, rất dễ gây sảy thai cho bà bầu. Do đó, phụ nữ có thai, đặc biệt là có tiền sử đẻ non, sảy thai liên tiếp, thụ tinh trong ống nghiệm nên tránh sử dụng rau ngót.
Rau ngót vừa có giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, vừa có tác dụng chữa một số bệnh, lành tính cho phụ nữ sau sinh. Nếu bạn dùng đúng cách, rau ngót chính là một loại thực phẩm quý và là một vị thuốc hiệu nghiệm.
Yến Dương