Phần lớn đau lưng mỏi gối, xương khớp thoái hóa, di tinh mộng tinh… đều cho chức năng thận hư yếu mà sinh ra. Bồ dục là món ăn bổ thận rất tốt trong Đông y, giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Trong Đông y có câu “Thiên nhất sinh thủy – địa lục thành chi“, vạn sự vạn vận được sinh ra khởi nguồn là thủy mà thận là thuộc thủy. Có thể nói mọi nguồn gốc của bệnh tật đều có quan hệ với thận, vì thế thận khỏe là bệnh tật cũng lui. Thế nên Hải Thượng Lãn Ông chỉ cần dùng thủy hỏa mà chữa vô số bệnh là vậy.

Thận (bồ dục cật) nói chung (heo, bò, dê…) chứa chất đạm, béo, các chất khoáng (như Ca, P, Fe), các vitamin (A, B1, C, PP). Theo Đông y, thận vị mặn, tính lạnh không độc, đều có công hiệu bổ thận, ích tinh, tráng dương chữa thận hư suy yếu tình dục, di mộng tinh, xương khớp đau mỏi, tai ù, mồ hôi trộm, lão suy…

Bồ dục có tác dụng ích tinh, tráng dương chữa thận hư suy yếu tình dục, di mộng tinh, xương khớp đau mỏi. (Ảnh: benhtieudem.com.vn)

Trong đó, thận heo (lợn) hay được dùng hơn cả trong thức ăn và làm thuốc vì trắng hồng thơm ngon. Xin giới thiệu một số món ăn thuốc từ bồ dục giúp tráng dương, bổ thận.

Các món ăn bài thuốc từ bồ dục heo:

1. Bồ dục đỗ trọng

Tác dụng: tráng dương bổ thận dùng cho người dương hư, di mộng tinh

Nguyên liệu: Bồ dục 2 quả, đỗ trọng 10g, đào nhân 30g, gừng 15g, mộc nhĩ 30g, hàn: 20g, rượu 20g, dầu ăn 50g.

Cách làm: Bồ dục làm sạch, đỗ trọng thái sợi sao qua nước muối. Dùng dầu sao thơm đào nhân. Để chảo nóng đổ dầu vào, để dầu nóng cho gừng, hành xào thơm, sau đó cho bồ dục, mộc nhĩ, rượu xào cho chín, cuối cùng cho đào nhân đã xào trộn chung. Ăn nóng với cơm trong bữa ăn.

2. Bồ dục kỷ tử

Tác dụng: Bổ can thận chữa đau lưng, dương sự yếu kém

Nguyên liệu: Bồ dục 2 quả, kỷ tử 20g, đào nhân 20g, đường phèn 30g, dầu ăn 50g.

Cách làm: Làm bồ dục, xào đào nhân, kỷ tử trước. Để chảo nóng cho 50g dầu ăn đợi dầu nóng cho bồ dục kỷ tử, đào nhân và đường phèn vào xào chín.

3. Bồ dục phá cổ chỉ

Món ăn bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt. (Ảnh: vietnammoi.vn)

Tác dụng: Bổ thận tráng dương

Nguyên liệu: Bồ dục 2 quả, phá cổ chỉ 15g, gừng 5g, hành 20g, rượu 15g, muối khoáng 6g.

Cách làm: Làm Bồ dục xong để phá cổ chỉ lên trên rồi đổ rượu, gừng, hành, muối và 300ml nước. Bỏ vào nồi chưng cách thuỷ khoảng 30 phút.

4. Bồ dục thung dung

Tác dụng: Bổ khí huyết can thận tráng dương

Nguyên liệu: Bồ dục 2 quả, đỗ trọng 20g, sinh khương 15g, nhục thung dung 15g, hành 20g, rượu 20g, giấm 20g, đường trắng 30g, dầu ăn 50g.

Cách làm: Làm bồ dục xong để sẵn. Đun 1 lít nước với đỗ trọng, nhục thung dung xào thành một chất dịch đặc, bỏ bã lấy nước để sẵn. Đổ dầu ăn vào chảo đun nóng bỏ gừng hành xào thơm. Sau đó bỏ cật heo xào sơ rồi đổ nước thuốc trên vào với đường xào chín (dùng đường tuỳ ý).

5. Bồ dục – đỗ trọng, lá sen

Tác dụng: Chữa thận hư đau lưng

Nguyên liệu: Bồ dục 2 quả làm sạch, thái nhỏ tẩm đều bột đỗ trọng: 10g.

Cách làm: Gói lá sen hấp ăn.

Lưu ý: Không nên ăn quá nhiều. Vì bồ dục có tình lạnh nên người thận khí lạnh không ăn.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.