Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Mỹ cho thấy, sự gia tăng amphiregulin – một loại protein chữa bệnh phổi, giúp đàn ông khỏi bệnh cúm nhanh hơn phụ nữ.
Theo Independent, các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) đã nghiên cứu về phản ứng khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ khi mắc cúm.
Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu luôn nghĩ phụ nữ phục hồi bệnh cúm chậm hơn vì phổi của họ có vấn đề trong thời gian nhiễm cúm.
TS. Sabra Klein, tác giả chính của nghiên cứu đã phát hiện, phụ nữ phục hồi chậm hơn đàn ông khi bị cúm là do sự sản sinh amphiregulin tương đối chậm.
Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm trên chuột đực và chuột cái, bằng cách phơi nhiễm chúng với virus H1N1 không gây chết.
Kết quả, khối cơ thể chuột cái bị giảm nhiều hơn và phổi yếu hơn trong giai đoạn nhiễm bệnh. Hơn nữa, khả năng phục hồi phổi cũng chậm hơn. Đối với chuột đực, do sản sinh nhiều amphiregulin nên khả năng phục hồi bệnh cúm nhanh.
Các nhà nghiên cứu cho biết, amphiregulin chính là tế bào thúc đẩy biểu mô trong da, phổi và các bộ phận khác trên cơ thể. Ngoài ra, amphiregulin còn có tác dụng chữa lành các tổn thương, đặc biệt phục hồi phổi sau nhiễm trùng.
TS. Klein hy vọng, các phương pháp điều trị cúm trong tương lai nên thúc đẩy sản xuất amphiregulin, đặc biệt có lợi cho phụ nữ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được tại sao đàn ông có nhiều khả năng tạo ra lượng amphiregulin cao hơn phụ nữ.
Trước đó, vào năm 2016, các nhà nghiên cứu Johns Hopkins đã phát hiện hóoc-môn sinh dục progesterone giúp kích thích sản xuất amphiregulin ở chuột cái.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng việc sản sinh amphiregulin tăng ở con đực trong thời gian nhiễm cúm là nhờ testosterone. Nhưng họ thấy điều này chưa thuyết phục và đang nghiên cứu thêm để tìm ra nguyên nhân.
Lan Phương