Nicole Hirst (14 tuổi, Anh) mắc chứng ngủ rũ (Narcolepsy) – một rối loạn giấc ngủ mạn tính, khiến cô có thể chìm vào giấc ngủ bất cứ lúc nào mà không hề hay biết. Thậm chí, mỗi khi cười hoặc cảm thấy sợ hãi, cô bé sẽ bị tê liệt toàn thân.
Theo Daily Mail, Nicole được chẩn đoán mắc chứng ngủ rũ khi 6 tuổi. Cô có thể ngủ 23 tiếng/ngày. Cơ thể Nicole có thể tê liệt nhất thời khi cười hoặc sợ hãi. Ở Anh, chỉ có khoảng 30.000 người mắc căn bệnh này.
Lisa (42 tuổi), mẹ của Nicole cho Daily Mail biết, cô phải luôn đi theo sát, thậm chí vào phòng tắm với Nicole đề phòng bé có thể ngủ hay ngã xuống bất cứ lúc nào.
Lisa cho biết, khi học tiểu học, Nicole ngủ khoảng 23 giờ/ngày, có tuần ngủ tới 6 ngày. Bố mẹ thường xuyên tắm rửa cho Nicole khi cô bé đang ngủ và cho ăn, uống nước qua một ống tiêm.
Nhà trường đã dành riêng một khu vực trải đệm để Nicole có thể nằm xuống ngủ, nhưng thường thì bé sẽ ngủ gục ngay trên bàn. Cô bé không đi chơi với bạn bè bởi lo sợ, mình sẽ ngã xuống sàn khi cười và cần có người chăm sóc.
Lên trung học, Nicole bắt đầu dùng thuốc kiểm soát tình trạng buồn ngủ. Bây giờ, ngay khi trở về nhà, Nicole chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.
Mặc dù mắc phải chứng bệnh lạ gây trở ngại cho việc học lẫn sinh hoạt, Nicole vẫn đạt thành tích cao trong các kỳ thi SAT và dành được học bổng toàn phần.
Để giúp đỡ những người có cùng chứng bệnh với mình, Nicole đã chế tạo ra chiếc đệm hỗ trợ giấc ngủ (NSSC), giữ đầu luôn ở đúng vị trí khi ngủ trong xe và không cần phụ thuộc vào người khác.
Sau khi trình bày ý tưởng tại Team Tech, cô được mời tham dự cuộc thi kỹ thuật “The Big Bang” và giành vị trí Á quân.
Với phát minh này, Nicole mong muốn mọi người sẽ cảm thông và hiểu hơn cho những người mắc căn bệnh “nghiện” ngủ. Cô bé rất thích trò chuyện và truyền cảm hứng cho những người cùng mắc căn bệnh như mình.
Chứng ngủ rũ (Narcolepsy) là một rối loạn giấc ngủ mạn tính. Người bệnh thường xuyên buồn ngủ quá độ vào ban ngày, ngủ gật đột ngột mà không cưỡng lại được. Đôi khi, chứng ngủ rũ còn kèm theo sự mất kiểm soát đột ngột của các cơ. Nguyên nhân gây chứng ngủ rũ chưa tìm được ra. Các nhà nghiên cứu cho biết, người mắc chứng ngủ rũ có nồng độ chất hypocretin thấp – đây là một chất hóa học quan trọng ở não giúp bạn điều chỉnh sự tỉnh táo… Triệu chứng – Ngủ nhiều vào ban ngày và thường không kiểm soát được cơn buồn ngủ. – Mất trương lực cơ đột ngột. – Bóng đè. – Ảo giác. Ngoài ra, những người mắc chứng bệnh này còn có thể mắc rối loạn giấc như chứng ngưng thở, hội chứng chân tay không yên, thậm chí mất ngủ. |
Theo Daily Mail
(Tổng hợp)