Đại Kỷ Nguyên

Măng tây – rau hoàng đế của mùa xuân

Chỉ mọc vào một mùa duy nhất – mùa xuân, măng tây là một loại thực phẩm được ưa chuộng ở khắp mọi nơi thế giới. Măng tây không chỉ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn chứa những chất đặc biệt có hoạt tính sinh học cao, tác động rất tích cực đến sức khỏe.

Hiện nay, trên thế giới có 3 loại măng tây trắng, xanh và tím, nhưng phổ biến nhất là loại măng tây xanh, chúng có nguồn gốc từ nhiều nơi của châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Ở Việt Nam, măng tây xanh được trồng nhiều ở Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, TPHCM và một số tỉnh phía Bắc.

Thành phần dinh dưỡng

Măng tây được trồng để thu lấy chồi, phần chồi này có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100g măng tây xanh (tươi) chứa 2,2% đạm, 3,9% cacbohydrate, 2,1% xơ, 0,6% tro, 0,1% béo và các khoáng chất (canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm… chiếm 35%). Ngoài ra, nó còn chứa rất nhiều loại vitamin cần thiết như vitamin C, E, K, thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), niacin (vitamin B3), axit pantothenic (vitamin B5), pyridoxine (vitamin B6), folate (vitamin B9), …

Hơn nữa, đọt măng tây lại có vị ngọt đặc trưng, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như salad măng tây, măng tây xào với thịt bò, gà, tôm, hay các món nướng, hầm, súp…

Lợi ích của măng tây 

Măng tây không chỉ giàu dinh dưỡng, mà nó còn chứa các chất có hoạt tính sinh học và đã được chứng minh có tác dụng tích cực đến sức khỏe với các công dụng sau:

Măng tây giàu hợp chất chống viêm

Măng tây có chứa một nhóm các chất có khả năng chống viêm bao gồm các saponin măng tây (asparanin, sarsasapogenin, protodioscin, và diosgenin) và flavonoid quercetin, rutin, kaempferol và isorhamnetin. Các hợp chất chống viêm này là một trong những tác nhân tốt nhất giúp phòng chống các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim và bệnh ung thư.

Nguồn chất chống oxy hóa

Măng tây còn là nguồn dồi dào các chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C, beta-carotene và các khoáng chất kẽm, selen, mangan. Đặc biệt là glutathione (GSH) – một tripeptide có trong măng tây có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Theo báo cáo của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, măng tây có chứa lượng glutathione cao nhất trong số các thực phẩm được thử nghiệm. Các chất chống oxy hóa trong măng tây cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và bệnh ung thư.

Măng tây giàu chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, có lợi cho tim mạch

Măng tây có chứa một lượng lớn chất xơ và chất xơ hòa tan – có tác dụng làm giảm huyết áp, hạn chế quá trình xơ vữa động mạch, tạo sự lưu thông tốt cho hệ tuần hoàn máu giúp tim khỏe mạnh, là cách hiệu quả giảm lượng chất béo (cholesterol) trong chế độ ăn.

Măng tây chứa một polysaccaride có tên gọi là inulin (thuộc nhóm chất xơ fructan) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Inulin không bị tiêu hóa ở ruột non, khi di chuyển đến ruột già, nó sẽ trở thành nguồn thức ăn cho một số loại vi khuẩn có lợi như bifidobacteria và lactobacilli, làm tăng khả năng chống lại sự phát triển của các vi khuẩn có hại, giúp cơ thể hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng, làm giảm nguy cơ dị ứng, và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

Và các thành phần có giá trị khác

Ngoài những thành phần có lợi cho sức khỏe kể trên, măng tây còn chứa các hợp chất được gọi là glycosides steroid (asparagoside) trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất hormone và đôi khi được sử dụng như một kích thích tình dục do có thể ảnh hưởng đến cảm xúc.

Một loại protein đặc biệt trong măng tây có tên gọi histone được cho là chủ động trong việc kiểm soát sự phát triển của tế bào nên có thể kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Măng tây cũng rất giàu axit folic nên là loại thực phẩm tốt đối với phụ nữ mang thai, vì nó bảo vệ chống lại các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ và rất cần thiết cho sản xuất ra các tế bào hồng cầu mới.

Với đa dạng các thành phần dinh dưỡng cộng với các chất có hoạt tính sinh học có lợi, măng tây xứng đáng được coi là một loại rau hoàng đế, rau của mùa xuân.

Hoàng Oanh

Exit mobile version