Ở đây sẽ không bàn đến những vấn đề do uống rượu bia như thông thường, mà là nguy cơ từ methanol, một chất cực kỳ nguy hiểm có thể lẫn trong sản phẩm. Nếu theo cách gọi tên trong hóa học thì methanol cũng là một loại rượu, có công thức là CH3OH, được sử dụng nhiều trong pha chế sơn, mực in, … Loại rượu có trong các đồ uống có cồn được dùng hàng ngày là ethanol, có công thức là C2H5OH.
Khi vào cơ thể methanol được chuyển hóa thành formaldehyde còn gọi là formon. Đây là một chất độc thần kinh chết người. Từ lâu, formon đã được biết đến là tác nhân gây ung thư, gây tổn thương võng mạc, cản trở sự sao chép của DNA và gây ra dị tật bẩm sinh…
Các triệu chứng ngộ độc methanol bao gồm đau đầu, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, suy nhược, ớn lạnh, rối loạn trí nhớ, các chi bị tê và đau, rối loạn hành vi, và viêm dây thần kinh.
Hiện tượng hay gặp nhất khi ngộ độc methanol là các vấn đền liên quan đến thị giác: tầm nhìn giảm, nhìn thấy vướng, võng mạc bị tổn thương và có thể dẫn đến mù lòa.
Loại rượu nào có lẫn methanol?
Rượu bán trôi nổi trên thị trường có nguy cơ chứa methanol rất cao. Trong quy trình sản xuất rượu thủ công thông thường không thể loại bỏ hết methanol được sinh ra trong quá trình lên men, chưng cất rượu. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có hàm lượng methanol dưới 0.1 mg/l. Tuy nhiên người uống không thể phát hiện được mà cần dùng đến phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm.
Nếu là rượu pha chế từ cồn công nghiệp thì lại càng nguy hiểm. Một số loại cồn công nghiệp có thể chứa đến 5% methanol do nhà sản xuất bổ sung vào để hạ giá thành và phân biệt với loại cồn dùng trong thực phẩm. Các loại rượu mạnh làm giả trên thị trường có thể được pha chế từ cồn công nghiệp, sẽ cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Liều gây chết người của methanol nằm trong khoảng 30-240ml (20-150g). Mức khuyến cáo an toàn là không vượt quá 7.8 mg/ngày/người.
Khi uống vào, methanol được hấp thu nhanh, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau 30 – 60 phút, tùy thuộc vào sự hiện diện của thức ăn hay không. Methanol phân bố trong nước của cơ thể và hầu như không tan trong mỡ. Phần lớn methanol được chuyển hóa từ từ ở gan (khoảng 80%), 3 – 5% bài tiết qua phổi và 12% qua thận.
Việt Nam hiện được xếp thứ nhất nhì về tốc độ tiêu thụ rượu bia. Nhậu nhẹt đã là không thể thiếu để giao lưu, lên chức, thể hiện “bản lĩnh” và đẳng cấp. Chuyện có người tay cầm chai bia, tay cầm ly rượu đi gặp từng người trong bữa tiệc để “không say không về” đã không còn là hiếm. Trong cơn cao hứng, vấn đề hay xảy ra sau một vài ly đầu là bạn sẽ mất cảm giác về phản ứng của cơ thể và mất “độ nhạy” với các loại rượu, do đó không còn dùng cảm quan để đánh giá được chất lượng của chúng được nữa.
Ngộ độc methanol không thể coi nhẹ. Nếu thấy những biểu hiện bất thường sau khi uống rượu thì cần theo dõi sát và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất chứ không nên tự giải rượu theo cách thông thường, tránh hậu quả đáng tiếc là có thể mù hoặc tử vong.
Hồng Linh
Xem thêm:
- Lò vi sóng tiềm ẩn những nguy hiểm gì?
- Tỏi rất tốt, tỏi mầm còn tốt hơn
- 9 bí quyết khỏe mạnh và trường thọ
- Bột ngọt (mì chính) lặng lẽ giết người trong êm ái?
- Uống nhiều sữa tốt cho xương: sự thật hay lời nói dối xuyên lục địa?
- Giáo sư John Oxford đại học London: “Cho đến giờ, thứ bẩn nhất vẫn là miếng rửa chén”
- Việt Nam chìm ngập trong bia rượu