Đại Kỷ Nguyên

Mẹo chống say xe cho bé ngày Tết

Quấn khăn khô, xoa dầu gió, ngửi vỏ quýt… là những mẹo chống say xe hiệu quả, giúp bé đi cả quãng đường dài vẫn tươi tỉnh ngày Tết.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Tp.HCM cho biết, thông thường thì trẻ em ít say xe hơn người lớn nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi thì ngược lại: khi đi tàu xe, các bé rất dễ gặp tình trạng ọc sữa, nôn ói, theo Tri Thức Trẻ.

Nguyên nhân là do ở trẻ nhỏ, góc tâm vị dạ dày – thực quản còn khá tù. Ở người lớn, góc tâm vị này là một góc nhọn nên ngăn thức ăn trào ngược lên hiệu quả hơn. Thông thường, hệ thống này sẽ dần ổn định trước 2 tuổi nhưng có bé 1 tuổi đã ổn, có bé phải đến 2.

Ảnh minh họa.

Để chống say xe ngày Tết sắp tới cho bé, bố mẹ có thể tham khảo một số mẹo của Babycenter dưới đây:

Quấn khăn

Bố mẹ nên quấn khăn để giữ ấm từ phía sau gáy ra trước ngực cho bé. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong hầu hết các trường hợp.

Xoa dầu gió

Bố mẹ có thể xoa dầu gió vào khu vực thái dương, phần sau gáy, hai lòng bàn tay, cổ tay cho bé. Đây cũng là một phương pháp chống say xe cho bé hiệu quả. Hạn chế cho bé ăn quá no trước khi đi.

Hạn chế đồ chơi, sách vở

Khi di chuyển đường dài, hạn chế làm trẻ phân tâm bằng đồ chơi hay sách vở bởi việc tập trung vào những thứ này càng làm tình trạng say xe của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Thay vì thế, hãy khuyến khích trẻ tập trung nhìn về phía trước, hướng đến những vật ở khoảng cách thật xa như cây cối, xe cộ, đồi núi…

Cho bé ngậm hoặc ngửi gừng tươi

Gừng vốn là bài thuốc dân gian chống say xe vô cùng hiệu quả. Hương thơm nồng ấm, dễ chịu lan tỏa từ vài nhánh gừng tươi sẽ giúp bé thoát khỏi cảm giác buồn nôn, chóng mặt khi “lắc lư” ở trên xe.

Bố mẹ có thể cho bé uống nước gừng tươi giã nhỏ pha đường trước khi lên xe hoặc ngậm hay ngửi gừng trên xe. Bên cạnh đó, việc ngửi vỏ quýt tươi cũng có tác dụng tương tự nhờ tinh dầu thơm từ vỏ quýt.

Tránh để đầu bé cựa quậy

Hãy mang theo gối ôm hoặc nâng đỡ đầu bé cẩn thận trên xe để tránh tình trạng đầu bé bị di chuyển quá nhiều. Đầu càng lúc lắc, đung đưa nhiều thì trẻ lại càng say xe.

Chọn ghế trước để ngồi

Nên chọn cho bé chỗ ngồi ở nơi thoáng mát. Tốt nhất nên để bé ngồi ở vị trí đằng trước của xe để chống say xe.

Âm nhạc

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có khả năng nhận thức về âm nhạc. Nếu được nghe âm nhạc đúng sở thích của trẻ, trẻ sẽ tạm quên đi cảm giác nôn nao. Do đó, để chống say xe cho trẻ, mẹ hãy cho bé nghe một vài bản nhạc mà bé yêu thích trên đường đi.

Lời khuyên

– Khi bé ăn, uống sữa xong nên để ngồi, vỗ lưng nhẹ. Đừng cho nằm ngay, thức ăn và sữa sẽ dễ trào ngược.

– Nói chuyện và chơi đùa với bé: Phản xạ gây nôn có thể vượt qua nếu như sự chú ý bị chuyển sang một vấn đề khác. Điều này đúng với cả người lớn và trẻ em, bạn hãy nhớ lại những chuyến đi vui vẻ cùng bạn bè, đùa giỡn suốt hành trình, rất khó lòng say xe.

– Với bé lớn hơn, nếu những lần đi ô tô trước bé không say xe, bạn không cần quá lo lắng vì trẻ em tuổi đó cũng ít khi say xe. Nhưng nếu bé đã say xe nặng nhiều lần thì có thể uống thuốc trước khi bắt đầu hành trình.

Phương Nam

Exit mobile version