Chỉ từ những nguyên liệu dễ kiếm trong gian bếp như đậu đen, rau ngót, vỏ dưa hấu… bạn có thể nhanh chóng đánh bay cơn đau, khó chịu do các vết loét của nhiệt miệng mà không cần dùng thuốc.
Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi, trên nướu… Đây không phải là một loại bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn cho trong việc ăn uống và vệ sinh răng.
Dưới đây là 5 nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm ngay trong gian bếp giúp đẩy lùi cơn đau do nhiệt miệng ngày hè:
1. Đậu đen
Cách 1: Dùng 20-40 g đậu đen nấu lấy nước uống hàng ngày sẽ giúp làm mát cơ thể, chữa nhiệt miệng, các bệnh lở loét, mụn nhọt.
Cách 2: Đem rang chín hạt đậu đen, sau đó đem nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày uống 1-2 cốc bột đậu đen này giúp cơ thể hết mệt mỏi, đồng thời làm giảm bớt các vết nhiệt miệng.
2. Lá rau ngót
Lá rau ngót có vị ngọt, tính mát, rễ vị hơi đắng có tác dụng thanh mát, giải độc, lợi tiểu.
Cách dùng: Lấy lá rau ngót rửa sạch giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với 2 thìa cà phê mật ong. Dùng bông thấm vào các vết nhiệt miệng. Ngày bôi 2-3 lần. Sau 3 ngày áp dụng, bạn sẽ thấy tình trạng đau do nhiệt miệng giảm dần.
3. Cùi dừa
Quả dừa là loại quả vị ngọt dịu, có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt.
Cách 1: Lấy 100 g cùi dừa cho vào xay, sau đó chắt lấy nước cốt để uống trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy. Cách làm này vừa làm sạch miệng lại giúp vết loét mau lành.
Cách 2: Hòa nước cốt dừa với mật ong theo tỷ lệ 1:1. Lấy 1 ít bôi lên vết loét ngày khoảng 3 lần. Chỉ sau vài ngày sử dụng, bạn sẽ thấy vết loét se lại.
4. Vỏ dưa hấu
Vỏ dưa hấu có tính hàn, chứa nhiều chất dinh dưỡng, thường dùng để chữa các bệnh nóng trong người, nhiệt miệng.
Bạn có thể ăn trực tiếp phần cùi của vỏ dưa hấu. Hoặc sắt nhỏ vỏ dưa rồi rang khô, sau đó sắc lấy nước uống giúp trị viêm, sưng miệng hiệu quả.
5. Rau húng chó
Theo Đông y, húng chó là loại cây có tính ấm nhưng lại có thể làm mát máu trong cơ thể. Lá húng chó chứa tinh dầu có tác dụng giảm đau hiệu quả, thường được dùng để chữa trị nhiệt miệng.
Cách dùng: Rửa thật sạch vài lá húng chó rồi nhai kĩ, uống thêm vài ngụm nước lọc để cơ thể hấp thụ nhanh hơn. Ngày khoảng 5-6 lần. Sau 3 ngày, cơn đau do nhiệt miệng sẽ giảm bớt.
Ngoài ra, để phòng tránh nhiệt miệng tái phát, bạn cần nhiều rau, trái cây… Uống 2-3 lít nước mỗi ngày để tình trạng cơ thể bị nóng.
Lan Phương