Đại Kỷ Nguyên

Mổ bắt con thành công cho sản phụ ở Nghệ An bị rau cài răng lược hiếm gặp

Mới đây, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đã mổ bắt con thành công cho sản phụ Nguyễn Thị L. (31 tuổi, Nghi Lộc) mang thai tuần thứ 38, nguy kịch vì bị rau cài răng lược hiếm gặp.

Theo Gia Đình Mới, sản phụ L. mang thai con thứ 3, ở tuần 38 được đưa vào bệnh viện trong tình trạng máu chảy nhiều. Cách đây hơn 1 năm, sản phụ L. đã sinh mổ đứa con thứ 2.

Bác sĩ Trần Xuân Cảnh, khoa Sản của bệnh viện cho Infonet biết, sản phụ L. bị rau cài răng lược thể nặng và rau tiền đạo trung tâm. Đây là một thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và con do nguy cơ xuất huyết nhiều trong lúc sinh mổ.

Tình huống nguy cấp, 14h ngày 17/8, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai nhi, cứu mẹ con sản phụ L.

Ê-kíp phẫu thuật đã nhanh chóng mổ bắt bé trai nặng 3,1 kg cho sản phụ. Sau đó, để nguyên bánh rau và cắt tử cung cùng với bánh rau, vì nếu cố bóc rau sẽ làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn cơ quan lân cận.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải kiểm soát tình trạng chảy máu ồ ạt, xối xả của sản phụ. Một lít máu được truyền trực tiếp trong ca mổ để ổn định tình trạng huyết động cho sản phụ.

Sau ca mổ, sản phụ L. được chuyển theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Tích cực Ngoại khoa. 2 ngày sau đó, sản phụ đã phục hồi tốt, huyết động đã ổn định, ý thức tỉnh táo và tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng hào lên, bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ và đúng quy định. Khi phát hiện thai có rau tiền đạo trung tâm, nên tuân thủ theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.

Phụ nữ có tiền sử mổ lấy thai, mang thai trên 35 tuổi, từng phá thai nhiều lần hay mắc bệnh lý sản khoa như u xơ tử cung dưới niêm mạc, dính buồng tử cung… có nguy cơ cao bị rau cài răng lược.

Rau cài răng lược là bệnh lý hiếm gặp, xảy ra khi có sự bám dính bất thường hoặc xâm lấn một phần/toàn bộ bánh rau vào lớp cơ tử cung. Tùy vào mức độ xâm lấn mà chia ra thành 3 mức độ:

– Mức độ nhẹ: Là bánh nhau bám và xâm lấn một phần lớp cơ tử cung.

– Mức độ trung bình: Bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung nhưng chưa xuyên qua các cơ quan lân cận.

– Mức độ nặng: Bánh nhau ăn xuyên hết lớp cơ, lớp thanh mạc tử cung và ăn lan đến những cơ quan lân cận như bọng đái và ruột.

Phương Nam

Exit mobile version