Nói đến mơ lông, nhiều người nghĩ đến món thịt chó hay đĩa rau gia vị ưa thích hàng ngày, nhưng không chỉ vậy, đây còn là một vị thuốc dân gian cực tốt, được dùng điều trị các bệnh thường gặp: kiết lỵ, ho gà, khó tiêu, giun kim…
Lá mơ lông còn gọi là mơ tam thể, một mặt lá màu tía, một mặt màu xanh, có nhiều lông nhỏ trên các gân lá. Lá mơ lông còn có rất nhiều tên gọi khác như mơ tam thể, dây mơ tròn, cẩu xư đằng, my mao, dắm chó… Cây mơ lông mọc hoang ở nhiều nơi, leo lên các bờ rào hoặc được trồng làm rau sống, thường dùng ăn với món thịt chó.
Theo Đông y: Mơ lông có tính bình, vị đắng ngọt. Có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, tiêu thũng trướng. Tại Ấn Độ người ta dùng cây này uống trong và xoa bóp để chữa tê thấp; nước sắc cho thêm đường, gừng. Tại Philipin, dân gian uống nước sắc của lá mơ lông để chữa bệnh sỏi thận, bí tiểu tiện.
Trên thực tế, ngoài tác dụng chữa đi lỵ, lá mơ còn có thể sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh khác.
1. Trị kiết lỵ do amip
30g lá mơ thái chỉ, trộn với lòng đỏ trứng gà. Gói vào lá chuối rồi nướng chín hoặc đặt vào chảo rán (không cho mỡ). Ngày ăn 2 lần, liên tục 5 – 8 ngày. Sau đó xét nghiệm phân nếu còn trứng amip ăn thêm một liệu trình nữa.
2. Trị kiết lỵ giai đoạn khởi phát
Cũng làm như cách trên, ăn ngày ba lần, liên tục vài ngày sẽ khỏi.
3. Trị lỵ do đại tràng tích nhiệt
Lá mơ 20g, lá phèn đen 20g, rửa sạch, dội qua nước sôi để ráo, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 2 – 3 lần.
4. Kiết lỵ lâu ngày
Lấy rễ của lá mơ lông, cỏ seo gà, mã đề, đem sao qua sắc uống. Hoặc lá mơ lông tươi, cỏ nhọ nồi tươi, mỗi vị 100g sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.
5. Chữa ho gà
Lá mơ lông 150g, bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị 250g, cam thảo dây 150g, trần bì 100g, gừng 50g, đường kính vừa đủ. Cho vào 6 lít nước, trộn lẫn rồi đun sôi còn 1 lít. Chia ra ngày uống 2-3 lần.
6. Chống co giật
Nghiền nát khoảng 15 – 60g lá tươi, thêm một bát nước ấm và một ít nước, khuấy đều và vắt lọc để lấy nước, uống trước bữa tối.
7. Viêm tai ở trẻ nhỏ
Khi tắm cho trẻ nhỏ có thể vô tình bị nước rơi vào tai, gây viêm và mưng mủ, người ta gọi là viêm tai giữa chảy mủ. Khi bị viêm tai giữa, trẻ thường sốt cao, quấy khóc.
Trong trường hợp này, lấy lá mơ lông hơ trên lửa cho nóng, sau đó vò lá và nhét vào tai trẻ, để qua đêm đến sáng hôm sau lá mơ sẽ giúp hút hết mủ ra, khiến trẻ nhỏ hết đau, trẻ sẽ ngủ ngon.
8. Trị tiêu chảy do nóng
Khi bị tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện phân khắm, nước tiểu vàng, bụng quặn đau, đầy hơi, khát nước nhiều, hậu môn nóng rát, dùng 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc với 500ml nước lấy 200ml. Uống trong ngày mỗi lần 100ml.
9. Trị chứng đau dạ dày
Lấy khoảng 20 – 30g lá mơ lông rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống một lần trong ngày. Kiên trì dùng sẽ có hiệu quả.
Uống nước cốt lá mơ lông mỗi ngày có thể chữa được bệnh đau dạ dày
10. Trị chứng bí tiểu tiện
Nếu bị sỏi thận gây bí tiểu thì lấy lá mơ lông sắc uống hàng ngày, ngày uống vài lần sẽ cho kết quả tốt.
11. Chữa sôi bụng, ăn không tiêu
Lấy một nắm lá mơ lông tươi, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống. Ăn, uống liền trong 2 – 3 ngày sẽ có kết quả.
12. Trị giun
Nếu bạn bị giun kim, giun đũa thì lấy 50g lá mơ lông rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, cho ít muối uống vào buổi sáng lúc đói rất hiệu nghiệm. Ngoài ra có thể lấy 30g lá mơ long tươi (cả lá và ngọn) rửa sạch, cho thêm 50ml nước sôi để nguội, thụt vào hậu môn trước khi đi ngủ sẽ trị được giun kim.
13. Bệnh khớp ở người già
Người già thường bị phong thấp, đau nhức, nhức mỏi khi thay đổi thời tiết. Có 3 cách từ lá mơ lông có thể giúp giảm đau hiệu quả.
Cách 1: Lá mơ lông sắc lấy nước uống, có thể lấy cả thân lá cây đều được.
Cách 2: Giã dập lá mơ lông rồi cho vào tách, đổ nước sôi, hãm như trà. Sau đó, rót nước ra một cái cốc và cho thêm rượu vào để uống. Rượu có tác dụng dẫn thuốc chạy khắp cơ thể giúp giảm đau nhanh hơn.
Cách 3: Băm nhỏ cả cây gồm thân và lá mơ lông, sau đó phơi khô. 1kg lá mơ lông khô ngâm với 2 lít rượu, ngâm trong 10 ngày là uống được. Rượu này có thể uống hoặc xoa bên ngoài đều rất tốt. Mỗi ngày uống 1 đến 2 ly.
14. Chữa vàng da
Dùng rễ mơ lông 60-90g, đậu tương 200g; hầm chín nhừ, thêm mắm muối cho hợp khẩu vị, chia ra ăn trong ngày.
15. Chữa phụ nữ bế kinh do huyết hư (thiếu máu)
Dùng rễ mơ lông 30g, kê huyết đằng 15g (mua ở hàng thuốc Nam); 2 thứ bọc vào túi vải sô, hầm với 200-300g thịt lợn, thịt gà hoặc thịt bò, chia ra ăn trong ngày.
Minh Hải
Xem thêm:
- Hoàn ngọc: Cây thuốc quý nên có trong nhà
- Vì sao danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi đinh lăng là cây Sâm của người nghèo?
- Lời giãi bày bất ngờ của một ‘cao nhân’; – Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.