Đại Kỷ Nguyên

Mở nắp quan tài cứu người sống lại, xưa nay chỉ có mình Thánh dược thiên cổ Lý Thời Trân

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, Đông Y đã ghi khắc lại theo dòng lịch sử nhiều tên tuổi nổi tiếng như thần y Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh, Tiền Ất, Hoàng Phủ Bật, Lý Thời Trân… trong đó thì Lý Thời Trân là người có nhiều đóng góp nhất. Những câu chuyện về ông cũng thuộc diện “vô tiền khoáng hậu”, xưa nay không hề có người thứ 2.

Lý Thời Trân – học giả y dược trác tuyệt thời nhà Minh (Ảnh: chuansong.me)

Lý Thời Trân (1518–1593) tự Đông Bích, người Kỳ Châu Hồ Bắc, là học giả y dược trác tuyệt thời nhà Minh. Ông cũng là một trong những bậc thầy khoa học vĩ đại của thế giới đương thời.

Không những có thể chữa bệnh cứu người ông còn lưu lại cho hậu thế một tác phẩm vô cùng quý được tôn vinh là một trong những nhà khoa học lớn của Trung Quốc và thế giới đó là cuốn “Bản Thảo Cương Mục”.

Bản Thảo cương mục – Từ điển bách khoa Y dược học nổi tiếng

Bách khoa toàn thư – Bản Thảo cương mục (Ảnh: 58pic.com)

“Bản Thảo Cương Mục” là bộ bách khoa thư, sưu tập và bổ sung 952 nguồn tư liệu xa xưa về lĩnh vực y, dược, khoáng vật, thực vật, và động vật. Trong từng tập bản thảo, Lý Thời Trân mô tả cách trị liệu cổ truyền của các dược thảo, động vật, khoáng vật. Ông mô tả ngoại hình của chúng, cách nuôi trồng, cách bào chế, dược tính, và mức độ hiệu quả khi sử dụng cho từng vị. Công trình đồ sộ này luôn được trân trọng trong giới y sư Trung y cũng như ở các trường y dược.

Bộ sách có hơn một triệu chín trăm nghìn chữ, từng chữ đều là tâm huyết của ông. “Bản thảo cương mục” có tổng cộng 52 quyển, tập hợp 1.892 chủng loại cây, con, vật thuốc khác nhau trong đó có 374 loại do đích thân Lý Thời Trân tìm ra. Bộ sách liệt kê 11.096 đơn thuốc (phương tễ) trong đó có 8.000 do ông sưu tập mới hoặc tự sáng chế. Từ đầu thế kỉ thứ 17 bộ sách y dược học nổi tiếng này bắt đầu được lưu truyền nhanh chóng trên toàn thế giới, được dịch thành 10 thứ tiếng Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, La tinh…

Cuộc đời và sự nghiệp

Lý Thời Trân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Cha ông Lý Cát Văn là một thầy thuốc có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm dồi dào. Dựa vào kinh nghiệm làm nghề nhiều năm, cha ông đã biên soạn ra một số cuốn sách nổi tiếng về y học như: “Ngải truyện”, “Tứ sa phát minh”, “Y học bát mạch pháp” và “Đậu chẩn chứng trì”.

Chịu sự ảnh hưởng của cha, ngay từ nhỏ Lý Thời Trân đã vô cùng yêu thích y học. Thời ấy thầy thuốc được xếp vào hàng những ngành nghề có địa vị thấp kém trong xã hội, không được mọi người coi trọng nên cha ông không muốn ông nối nghiệp mình. Hơn nửa cuộc đời làm nghề Lý Cát Văn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi chữa khỏi bệnh cho những người dân nghèo nhưng cũng rất buồn khi gặp sự coi thường của nhiều người quyền quý. Vì thế, ông ra sức thúc giục con trai học Kinh thư, Bát cổ… với mong muốn con trai theo nghiệp quan trường.

Ban đầu, Lý Thời Trân quả thực đã không phụ lòng mong mỏi và sự kỳ vọng của cha. Vào năm Gia Tĩnh thứ 10 (năm 1531) ông thi đỗ tú tài. Nhưng càng ngày ông càng say mê với nghề y còn đối với việc học Kinh thư, Bát cổ thì có phần tỏ ra chán nản. Mặc dù cha nhiều lần giảng giải, khuyên răn nhưng vẫn không thể thay đổi được hứng thú của ông.

Trong quá trình chữa bệnh thì vận dụng phương pháp “Tứ chẩn”, gọi là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”. (Ảnh: sohu.com)

Năm 1542, Lý Thời Trân bắt đầu theo nghề cha. Ban đầu, ông phụ giúp cha khi cha ông khám chữa bệnh. Nhưng về sau, mỗi lần cha bận, ông lại thay cha khám bệnh cho người dân. Trong quá trình chữa bệnh thì vận dụng phương pháp “Tứ chẩn”, gọi là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (sờ). Đồng thời, ông kết hợp với 8 loại triệu chứng gọi là “Nhân cương” (gồm âm, dương, bên trong, bên ngoài, hàn, nhiệt, hư, thực) để chẩn đoán bệnh.

Năm 35 tuổi, ông sắp xếp chương trình công việc, sưu tập cùng khắp, rộng rãi, đọc một số lượng lớn sách tham khảo và bắt đầu biên soạn sách ‘Bản thảo cương mục’. Để biết rõ hình trạng, tính chất, mùi vị, công hiệu… của một số dược vật, ông mang giỏ thuốc, dắt con và đồ đệ Bàng Khoang ‘tìm hỏi bốn phương’, đi qua vô số thâm sơn cùng cốc, trải 27 năm nỗ lực lao động gian nan khó nhọc, trước sau sửa đổi bản thảo ba lần, sau cùng mới hoàn thành bộ sách lớn dược vật học vang danh trong và ngoài nước này vào năm 1578. Lúc này, ông đã 61 tuổi. Năm 1596, cũng là năm thứ ba sau khi ông qua đời, bộ sách ‘Bản Thảo Cương Mục’ chính thức ra đời tại Kim Lăng (nay là Nam Kinh Trung Quốc)

Những câu chuyện về khả năng chữa bệnh thần kỳ của Lý Thời Trân

1. Mở nắp quan tài cứu hai mẹ con sản phụ

Một lần nọ khi đang đi trên đường Lý Thời Trân gặp một nhóm người đang khênh quan tài đi mai táng lại phát hiện có máu chảy ra ngoài. Tiến đến phía trước xem xét ông phát hiện máu nhỏ ra từ quan tài là máu tươi không phải máu cục do bị tắc nghẽn bèn vội vàng chạy tới ngăn những người đang khênh quan tài và nói với họ: “Hãy mau dừng lại, người trong quan tài chưa chết”.

Mọi người nghe thấy đều sợ hãi không ai dám tin vào những lời ông vừa nói. Tất cả mọi người đều lo lắng bối rối nhìn nhau: “Người đã chết lại đi mở nắp quan tai há chẳng phải là điềm xấu hay sao? Thế nhưng ngộ nhỡ…”. Như hiểu được tâm tư suy nghĩ của mọi người liền gắng hết sức thuyết phục cuối cùng được chủ nhà đồng ý cho mở nắp quan tài.

Khi quan tài được mở, một mặt ông day các huyệt vị chính của sản phụ đang trong quan tài sau đó châm một kim vào vị trí gần tim. Thật thần kỳ, không lâu sau đó chỉ nghe thấy người trong quan tài hự lên một tiếng và dần dần tỉnh lại. Tất cả mọi người đứng xung quanh đều vui mừng ngạc nhiên không nói lên lời. Khi mọi người còn chưa hết ngạc nhiên sản phụ này lại sinh hạ một cậu bé kháu khỉnh một cách thuận lợi phi thường. Thế là từ đó người nọ truyền người kia rằng Lý Thời Trân có thể chỉ bằng một cây kim cứu cứu sống hai mạng người, có tuyệt chiêu thần kỳ có thể cải tử hoàn sinh.

2. Liệu sự như thần người đang sống dự đoán đoản mệnh

Từ sau khi ông cứu sống hai mẹ con sản phụ nọ có rất nhiều người đều mong muốn được gặp mặt vị thần y có một không hai này. Một ngày nọ con trai ông chủ cửa hàng thuốc đang ăn uống ngồm ngoàm trong quầy nghe nói Lý nòi Thời Trân đang ở gần đó bèn dùng hết sức chạy như bay vội vội vàng vàng tới đó để được gặp ông. Khi tới nơi lập tức tiến tới trước mặt ông thở hổn hển hỏi: “Tiên sinh ông đoán xem tôi có bệnh gì không?”

Ảnh: trithucvn

Nhìn thấy sắc mặt của cậu ta không tốt ông liền lập tức tới bắt mạch cho cậu ta. Một hồi lâu sau vẻ mặt và giọng điệu đầy thương xót ông nói: “Người huynh đệ, thật là đáng tiếc quá, cậu tuổi còn trẻ thế này. Xin hãy nhanh chóng về nhà đi, cậu sống không qua ba canh giờ nữa, mau về nhà kẻo người nhà cậu lại đi tìm”. Không ai tin lời ông nói, người con trai ông chủ tiệm thuốc càng không tin bèn xưng mặt không ngừng chửi mắng ông.

Mọi người xung quanh thấy cậu ta to tiếng bèn khuyên răn và đẩy cậu ta đi về, mãi lâu sau đó cậu ta mới ra về vừa thở hồng hộc. Đúng như dự đoán không tới ba giờ đồng hồ sau người này qua đời. Anh này đã qua đời vì vừa ăn quá no lại chạy nhảy nhanh làm đứt ruột và tổn thương nội tạng.Từ đó mọi người càng thán phục y thuật thần kỳ của Lý Thời Trân.

3. Nếm thử cà độc dược – tự lấy thân làm thí nghiệm tìm ra thuốc giải

Ở phương Bắc Trung Quốc có một loại dược thảo tên gọi Cà độc dược còn gọi là mạn đà la (hoa trắng). Nếu ai ăn phải loại cây này nhẹ làm cho người bệnh khoa chân múa tay mất tự chủ, trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới mê man, bất tỉnh. Để tìm kiếm loại thảo dược này Lý Thời Trân đã rời khỏi quê nhà đi tới phương Bắc. Cuối cùng phát hiện một loại cây thân thảo, cao 1–2 m, hoa mọc đơn độc ở nách lá. Cánh hoa màu trắng hay vàng, dính liền nhau thành hình phễu, dài 16–18 cm.

Ăn phải loại cà độc dược này có thể làm cho người bệnh khoa chân múa tay mất tự chủ. (Ảnh: thoaihoacotsong.com)

Để biết được tính năng của loại thảo dược này ông đã tự mình nếm thử để kiểm nghiệm và ghi chép: “Hoa cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc; có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật”. Theo phân tích của Tây Y trong hoa cà độc dược có một chất tên gọi scopolamine. Đây là chất có tác dụng kích thích trung khu thần kinh, có thể gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác rất mạnh.

Trong khi thử nghiệm độc tính của mạn đà la hoa Lý Thời Trân liên tưởng tới ghi chép về tính năng giải trăm loại độc tố của đậu nành được ghi chép trong “Bản Thảo thư” nên tự mình thử nghiệm nhiều lần. Cuối cùng phát hiện nếu chỉ sử dụng đậu nành không thể khởi tác dụng giải độc tố mà phải cho thêm một vị dược thảo tên gọi cam thảo mới đạt được hiệu quả giải độc.

Lời kết

“Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân không chỉ là một cống hiến to lớn và quan trọng bậc nhất trong việc phân loại thuốc của Đông y. Tác phẩm này cũng góp phần chính xác hóa cách sử dụng và tên gọi các loại cây, thuốc ở Trung Quốc cũng như điều chỉnh các đơn thuốc để tránh những nhầm lẫn xảy ra trong quá trình điều trị. Đồng thời, bộ sách cũng là di sản quý giá của thế giới, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của y dược học thế giới.

Theo Secretchina
Kiên Định

Exit mobile version