Đại Kỷ Nguyên

Mọi người vẫn thường ăn cháo mà không biết được công dụng dưỡng sinh kỳ diệu của nó

Mỗi khi chúng ta ốm, mới thấy cháo là món dễ ăn nhất, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục mà không món ăn nào thay thế được trừ khi mắc phải bệnh cần nhịn ăn hoặc là không thể ăn uống được.

Tại sao mỗi khi chúng ta ốm đều ăn cháo? Món ăn chủ yếu cho người bệnh là cháo, vậy thì nó hàm chứa điều gì?

Gạo tẻ – nguyên liệu không thể thiếu của cháo

Gạo tẻ trong sách cổ gọi là cánh mễ hay ngạnh mễ. Theo Đông y, nó có vị ngọt, tính mát, tác dụng chính để bổ Tỳ, thanh Phế. Nó còn giúp hòa Vị bổ trung, màu trắng nên vào Phế để bổ, trừ phiền thanh nhiệt, nấu nước uống thì có thể trừ khát.

Ảnh: Cooky.vn

Gạo tẻ rất đặc biệt là nó bẩm thụ được sự hòa hợp của tất cả các khí trong trời đất. Bởi vậy nó rất hợp cho việc hỗ trợ chức năng của trung tiêu ở trong cơ thể (trung tiêu là nơi giao hội giữa phần trên và phần dưới của cơ thể). Đặc biệt là chức năng tiêu hóa thức ăn. Cụ thể nó giúp bổ Tỳ, hòa Vị bổ trung mà Tỳ Vị có tác dụng chính để tiêu hóa thức ăn, cung cấp dưỡng chất rồi thông qua Tâm Phế hóa sinh khí huyết đi nuôi toàn thân, sinh ra cơ bắp, giúp tay chân hoạt động linh hoạt…

Gạo tẻ còn giúp bổ hậu thiên Phế khí, thanh Phế hỏa. Vì thế mà đường hô hấp thông suốt, thuận lợi, da dẻ mềm mại, không bị cảm mạo… Ăn gạo tẻ rất mát, giúp trừ phiền thanh nhiệt, nó không giống như tính mát của một số hoa quả như dưa hấu, củ đậu… hay nước đá có thể khiến cho hết nóng khát rất là nhanh mà nó mát dịu, bình hòa giảm khát chậm hơn nhưng tốt hơn cơn khát, nóng nực sẽ không nhanh chóng quấy nhiễu, và sẽ không bị đau bụng.

Gạo cũ để lâu chất bổ còn ít hoặc hết thì chỉ thanh nhiệt để dưỡng Vị, ôn trung. Nếu uống nước gạo cũ sẽ rất thông vị khí, lợi tiểu tiện, khử thấp nhiệt, trừ khát… Người bị rối loạn tiêu hóa uống rất tốt.

Trong một số bài thuốc của Đông y, khi sắc có cho gạo tẻ vào để bù lại cho tỳ vị bị hao tổn vì một số vị thuốc mạnh mẽ.

Tại sao cơm tẻ có thể ăn suốt đời mà không chán?

Ảnh: qmodes.com

Con người bẩm thụ tinh khí, sự cảm ứng và vận động của vật chất trong vũ trụ này mà sinh ra, là sinh mệnh duy nhất bẩm thụ được cả ngũ khí. Có lẽ vậy nên cũng mới nói con người là “tiểu vũ trụ”. Và tạo hóa cũng ban tặng cho chúng ta một loài lương thực đắc được “trung hòa chi khí”, đó là gạo tẻ, giúp cơ thể phát triển hài hòa.

Vậy rốt cuộc Cháo có tác dụng như thế nào?

Trong bài “Chúc ký” của Cụ Trương Văn Tiềm, viết: “Chúc năng sướng Vị khí, sinh tân dịch, mỗi thần không phúc thực chi, sở bổ bất tế”, nghĩa là Cháo giúp cho Vị khí thông suốt, không bị ngăn trở, sinh ra tân dịch, mỗi buổi sáng bụng đói ăn cháo vào thì bổ trung khí không ít.

Cụ Uông Ngang có cuốn “Bản thảo bị yếu” viết rằng: “Linh nhân chung nhật thực chúc, bất chi kỳ diệu. Đãi bệnh trung thực chi, giác dữ tạng phủ tương nghi, quýnh phi tha vật chi sở năng cập dã”, nghĩa là người đời nay ăn cháo cả ngày mà không biết được sự kỳ diệu của nó, đến khi ốm ăn vào mới có cảm giác cháo ấy rất thích nghi cho tạng phủ, đặc biệt không có vật nào khác có thể bằng nó được.

Ở Trung Quốc, có nơi người dân nấu nước cháo trắng, giữ ấm đề mời khách và cho cả nhà dùng trong ngày. Nước ta, Cháo vẫn là món được ưa chuộng trong bữa ăn, nhất là khi ốm. Vậy thì Cháo có tác dụng gì?

Dưới đây là một số công dụng của Cháo, theo Theo Health Huanqiu:

1. Dễ tiêu hóa

Ảnh: cookpad.com

Cháo là tên gọi chung cho những món ăn thực hiện bằng phương pháp nấu chín gạo trắng ở nhiệt độ trên 60°C.

Sở hữu đặc tính của những loại thức ăn loãng, cháo đã nấu chín nhừ là món ăn tiêu hóa nhanh và dễ hấp thu, đặc biệt thích hợp với những người sở hữu đường tiêu hóa kém, mắc các bệnh về dạ dày hoặc đang trong thời gian ốm yếu.

2. Kích thích ăn uống

Nếu có cảm giác chán ăn, ăn uống kém ngon miệng, bạn nên chọn cháo, một trong những lựa chọn hợp lý giúp cải thiện khẩu vị.

Không chỉ ngon miệng, những món cháo này còn có tác dụng kích thích ăn uống, cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng cho người bị suy nhược.

3. Phòng ngừa táo bón

Táo bón là chứng bệnh thường gặp của người hiện đại, đặc biệt là những người có thói quen ăn cay nóng, ít uống nước…

Trong khi đó, cháo là một loại thức ăn loãng có chứa nhiều nước. Bởi vậy, thường xuyên thêm món cháo vào thực đơn ăn uống sẽ giúp chúng ta bổ sung lượng nước cho cơ thể và phòng chống táo bón hiệu quả.

4. Chống cảm lạnh

Ảnh: Publika.md

Khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, chúng ta nên từ bỏ thói quen ăn những loại đồ khô, đồ nguội vào buổi sáng.

Thay vào đó, việc bắt đầu ngày mới bằng một tô cháo nóng hổi sẽ giúp cơ thể ấm áp, tăng cường khả năng chịu lạnh và phòng chống một số bệnh vặt thường gặp trong mùa đông.

5. Làm dịu cổ họng

Đối với những người cổ họng không tốt, thường xuyên bị viêm, cháo cũng là một lựa chọn tuyệt vời để cải thiện tình hình.

Ăn cháo với độ nóng vừa phải có tác dụng làm nhuận họng, giảm nguy cơ mắc viêm họng và phòng chống bệnh cảm.

6. Kéo dài tuổi thọ

Ảnh: osul.com.br

Ăn cháo là một trong những biện pháp kéo dài tuổi thọ tuyệt vời. Đối với người cao tuổi, đặc biệt là những người răng yếu hoặc mắc nhiều bệnh, việc ăn cháo sẽ giúp cơ thể chống lại các bệnh thông thường và cải thiện tình hình sức khỏe.

Trong số các loại cháo, cháo ngũ cốc chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ. Bởi vậy, thực đơn thường xuyên có cháo sẽ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Chú ý:

1. Nên nấu cháo bằng gạo mùa cũ (nhưng không phải là gạo ẩm mốc hư hại do bảo quản kém), nhất là nấu cho người ốm ăn. Tuy nhiên gạo cũ quá cũng không được vì mất hết chất. Còn không nấu bằng gạo mới vì nó gây động khí mà người ốm lại ưa tĩnh.

2. Cháo trắng bao hàm tất cả tác dụng của gạo tẻ, rất bình hòa phù hợp với tất cả mọi người, có thể dùng hàng ngày, nhất là phụ nữ sau sinh, và người bệnh ốm lâu. Vì những người này khí huyết rất yếu không thể tiêu được thực phẩm quá giàu dinh dưỡng đặc biệt là thịt.

Ảnh: suckhoexanh.net

3. Các loại cháo khác do có thêm các thứ khác như đậu xanh, hoặc đậu đen, hoặc hành lá… nên sẽ có sự đặc tính riêng chỉ dùng cho một số trường hợp nhất định và cũng không nên dùng mãi một loại. Ví dụ:

– Cháo đậu đỏ, lợi tiểu tiện, xẹp phù thũng, cước khí, trừ tà dịch.

– Cháo đậu xanh, giải nhiệt độc, khỏi phiền khát.

– Cháo Ý dĩ trừ thấp nhiệt, lợi trường vị. Phụ nữ có bệnh bạch đới nên ăn, ăn nhiều thì cạn sữa, người có mụn lở ăn thì khô mủ.

– Cháo hành: trộn hành tươi vào cháo trắng trước khi bắc xuống bếp, ăn lúc cháo đương nóng để phát tán, cho ra mồ hôi, chữa bệnh ngoại cảm, nóng lạnh, đau đầu nghẹt mũi.

– Cháo gừng làm ấm bụng, trừ ác tà, tan hàn hấp.

– Cháo tía tô: cháo nóng trộn lá tía tô tươi vào trước khi bắc xuống bếp, ăn lúc nóng để cho ra mồ hôi, giải cảm hàn thấp, hông ngực tức đầy.

Thiên Thanh

Exit mobile version