Hoa hiên còn gọi là Hoàng hoa, Kim trâm thái, Huyền thảo, Lộc thông, Vong ưu thảo… Tên khoa học Hemerocallis fulva L.. Đây là loại cây thảo có thân rễ ngắn. Đó không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc Đông y trị bệnh hiệu quả.
Cây hoa hiên được trồng làm cây cảnh ở các vùng khí hậu mát mẻ. Dân gian thường dùng hoa để nấu canh, nụ và rễ làm thuốc. Theo Đông y, hoa hiên vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, cầm máu, thông sữa, an thai, lợi tiểu và sáng mắt.
Một số nơi dùng lá và hoa làm thuốc trị liệu chảy máu cam. Lá hái quanh năm, rễ đào vào mùa thu đông là tốt nhất, dùng tươi hoặc phơi khô. Vị thuốc này thường được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, thủy thũng, thân thể bị vàng, tiểu tiện khó khăn, vú sưng đau, lỵ, chảy máu cam, sưng đau khớp xương, nôn ra máu.
– Hoa: Từ lâu hoa hiên hầm với thịt gà là món ăn đặc biệt trong mâm cỗ ngày giỗ, tết. Canh hoa hiên có tác dụng bổ dưỡng, giải nhiệt, cầm máu, mạch dạ dày, lợi tiểu. Theo Thập tam phương gia giảm của Tuệ Tĩnh, phụ nữ có thai hàng ngày ăn đều đặn canh hoa hiên và uống nước sắc rễ cây gai 30g để chữa động thai. Để cầm máu trong trường hợp chảy máu cam, lấy hoa hiên rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, dùng bã nút vào lỗ mũi.
– Lá: Lá cây hoa hiên dùng tươi cũng có tác dụng cầm máu: Cách chế biến và cách dùng như hoa.
– Rễ: Rễ cây hoa hiên 15g để tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, chắt lấy nước đặc (khoảng một bát), hòa một ít mật ong để uống chữa chứng chảy máu cam do nhiệt. Có thể dùng rễ hoa hiên giã đắp chữa mụn nhọt.
Món ăn và bài thuốc trị bệnh từ hoa hiên
1. Trị chảy máu cam cho trẻ nhỏ:
Thời tiết khô hanh, trẻ nhỏ dễ bị chảy máu cam; dùng hoa hiên rửa sạch, giã nát, thêm nước, lọc lấy nước cốt để uống, bã dùng nút vào lỗ mũi. Có nhiều trẻ nhỏ bị chứng chảy máu mũi nhiều năm, uống khoảng 10 – 15 lần khỏi hẳn.
Hoặc dùng rễ cây hoa hiên 15g để tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, vắt lấy nước đặc (khoảng một bát), hòa một ít mật ong để uống.
Hoặc dùng hoa hiên 30g, hấp chín, chia làm 2 – 3 phần đều nhau. Khi dùng, cho 1 phần vào ly, rót nước sôi vào ngâm, để nguội uống thay nước trà.
Tuy nhiên, nếu lỗ mũi trước đây có bị ngoại thương, hoặc do nội tạng có bệnh, thỉnh thoảng gây ra chảy máu cam, thì dùng cách này sẽ không thích hợp.
2. Trị viêm tuyến sữa, ít sữa:
Hoa hiên 25g, thịt nạc heo 100g, hành trắng 1 cọng. Cho vào một lượng nước thích hợp nấu tới khi thịt heo chín, chia đều làm 2 lần dùng trong ngày, ăn thịt, uống nước, uống liên tục 7 ngày.
3. Chữa kinh nguyệt không đều:
Hoa hiên 15g, Ích mẫu thảo 12g, Ngải cứu 12g, Rễ củ gai 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 2 lần uống trong ngày, uống liền 7 ngày.
4. Chữa đái buốt đái rắt:
Rễ hoa hiên 15g, mã đề 12g, râu ngô 12g, sắc uống ngày một thang, chia làm 2 lần uống trong ngày uống liền 5 – 10 ngày.
5. Chữa bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh:
Hoa hiên 10g, lá dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.
6. Chữa mất ngủ:
Hoa hiên 12g, lá dâu tằm 20g, lá vông nem 10g. Nấu canh ăn hàng ngày. Hoặc đem hoa hiên phơi khô trong râm, sao qua lửa, hàng ngày hãm uống thay chè.
7. Tắc tia sữa:
Hoa hiên 12g, bồ công anh 40g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng liền 7 thang.
8. Trị vàng da:
Rễ hoa hiên 15g giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống. Y học cổ truyền quan niệm rằng vàng da (hoàng đản) do thấp nhiệt hoặc huyết ứ. Hoa hiên trừ thấp nhiệt nên trị vàng da rất tốt.
9. Trị trĩ nội:
Hoa kim châm 30g, cho vào một lượng nước thích hợp nấu 1 giờ. Khi nước sôi, thêm vào một ít đường đỏ, để còn âm ấm, uống trước bữa ăn sáng 1 giờ. Uống liên tục 3 – 4 ngày.
10. Trị trong họng lúc nào cũng thấy như vướng vật gì (mai hạch khí):
Hoa kim châm 30g, gạo tẻ 100g. Cho hoa vào chảo, thêm một ít dầu, muối, sao lên, nấu chung với gạo đã vo kỹ thành cháo. Cháo chín chia làm 2 – 3 lần ăn, ăn hết trong ngày.
11. Trị trong người nóng nảy bực bội, phiền toái, khó ngủ:
Hoa hiên 30g, đường phèn 15g. Hoa hiên rửa sạch thái vụn, sau cho vào nồi đổ nước sắc trong 15 phút, được bắc ra cho đường phèn vào đánh tan. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Những người cao huyết áp, nhất là bệnh do tinhd trạng căng thẳng, hàng ngày, có thể dùng hoa hiên nấu canh ăn hoặc nấu lấy nước uống có tác dụng khá tốt.
Chú ý: Không dùng Hoa hiên để ăn sống vì có thể gây ngộ độc. Dùng Hoa hiên liều cao có thể gây mờ mắt. Những người dạ dày và ruột có thấp nhiệt, thấp độc, không nên dùng.