Đại Kỷ Nguyên

Một nhúm rau má mỗi ngày giúp đẩy lùi căng thẳng, tốt cho tim mạch

Rau má chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng điều trị say nắng, mụn nhọt, tiểu buốt, căng thẳng thần kinh… 

Theo Đông y, rau má vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, sốt, sởi, vàng da, vàng mắt, thường được dùng để hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ, lợi tiểu…

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rau má chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất có lợi cho sức khỏe như beta caroten, sterols, mangan, phốt pho, sắt, kali, vitamin B1, B2, B3, C…

Ảnh minh họa.

Một số công dụng của rau má

1. Chữa cảm nắng, hạ sốt

Người bị cảm nắng, sốt cao có thể cho uống nước rau má để giải nhiệt, hạ sốt.

2. Tốt cho tim mạch

Các hoạt chất chống oxi hóa trong rau má giúp giảm sưng, lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh về tĩnh mạch như giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch. Người bị thừa cân béo phì, xơ vữa động mạch máu ăn rau má sẽ giảm lượng cholesterol trong máu, giảm thiểu tai biến do xơ vữa động mạch.

3. Trị viêm thận, tiểu buốt

Do thành phần giàu kali nên rau má được coi là vị thuốc lợi tiểu, hỗ trợ điều trị bệnh về thận.

Người bị viêm thận có thể áp dụng bài thuốc: rau má 600 g, xa tiền thảo 300 g sắc đặc cùng 700 ml nước. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 ml.

4. Mụn nhọt, rôm sảy, làm lành vết thương

Alcaloid trong rau má có tác dụng kháng khuẩn, giúp cho các mô tế bào tái tạo nhanh chóng, các vết thương mau lành và lên da non.

Uống 50-100 ml rau má ép mỗi ngày có thể thải độc, mát gan, ngừa mụn nhọt, rôm sảy.

5. Chảy máu cam, chảy máu chân răng

Người bị chảy máu cam, chảy máu chân răng thường xuyên nên dùng 30 g rau má, 15 g cỏ nhọ nồi , 15 g trắc bá diệp, sắc nước uống ngày 2 lần để cải thiện tình trạng.

6. Giúp giảm căng thăng

Hoạt chất triterpenoids trong rau má giúp tăng cường chức năng thần kinh, giảm lo lắng căng thẳng. Những người bị mất ngủ nên sử dụng rau má như bài thuốc an thần hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Tác hại của rau má nếu lạm dụng

– Gây sảy thai: Các chuyên gia cảnh báo, phụ nữ đang mang thai nên tránh ăn rau má bởi các chất trong loại rau này có thể kích thích tử cung co bóp, dẫn đến sảy thai.

– Tăng đường huyết: Dùng quá nhiều rau má sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, người bị tiểu đường không nên ăn nhiều rau má.

– Nhức đầu: Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc lạm dụng nước rau má để giải nhiệt có thể khiến bạn bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua.

– Tiêu chảy: Rau má có tính hàn, nếu sử dụng nhiều cũng có thể gây đầy, lạnh bụng, dẫn đến tiêu chảy, khó tiêu…

Ảnh minh họa.

Sử dụng rau má đúng cách

Rau má không đơn thuần chỉ là rau, nó còn là một loại thảo dược. Do đó, khi sử dụng cần thận trọng như một loại thuốc.

– Không nên dùng quá 40 g rau má/ngày và kéo dài hơn một tháng. Sau mỗi đợt, cần ngưng sử dụng tối thiểu 15 ngày.

– Phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, tiền sử bệnh tổn thương da, người đang sử dụng một số loại thuốc không nên dùng rau má để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

– Rau má thường được ăn sống hoặc ép trực tiếp lấy nước, do đó cần rửa thật sạch, ngâm muối để loại bỏ đất cát, phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

H.H

Exit mobile version