Đại Kỷ Nguyên

‘Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ’ nhưng sự thật cười thế nào mới là bổ?

Người ta thường nói rằng một ngày không cười là một ngày lãng phí. Nụ cười sẽ đem lại cho chúng ta thật nhiều lợi ích – nó khiến bạn trông thân thiện và dễ gần, hấp dẫn hơn, hạnh phúc hơn và ít căng thẳng hơn.

Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng có thể đem lại một tác dụng tốt như “thang thuốc bổ”. Mọi người cũng thường hay nói rằng “điều gì nhiều quá cũng là không tốt”. Quả đúng như vậy, việc cười nhiều quá và cười một cách không kiềm chế được cũng mang lại cho cơ thể những tác hại không nhỏ, thậm chí còn rất nguy hiểm.

1. Nụ cười “chát” che giấu cảm xúc

Nụ cười nở trên môi chúng ta mỗi khi cảm thấy hạnh phúc, hay nụ cười chính là sự phản ánh của niềm vui.

Tuy nhiên nhiều người lại lợi dụng nụ cười để tự đánh lừa bản thân mình, cho rằng như vậy sẽ tạo động lực để vượt qua nỗi buồn hay những khó khăn, hoặc là vì không muốn người khác thấy cảm xúc của mình.

Khi một ai đó cố gắng mỉm cười chỉ vì nghĩ rằng như vậy sẽ tốt hơn, hay khi họ muốn che giấu cảm xúc thật sự của mình, điều này sẽ gây nên sự ức chế của não bộ.

Lúc này bộ não của chúng ta sẽ cảm nhận đó là nỗi buồn chứ không phải niềm vui, đồng nghĩa với việc cười gượng quá nhiều cũng chẳng khác gì việc chúng ta đang khóc đau khổ.

Đừng cố che giấu cảm xúc của mình bằng một nụ cười gượng. (Ảnh: ent.gxtv)

2. Người bị hen

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây ở Australia cho thấy, việc cười nhiều có tác động xấu tới 40% trong số 2 triệu người mắc bệnh hen ở nước này.

Khi cười quá nhiều, cười lâu hay cười không kiềm chế được sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc lấy oxi của cơ thể, dễ dàng kích thích cơn hen.

Các chuyên gia nói rằng, người mắc bệnh hen nếu thường xuyên cười to sẽ khiến căn bệnh này trở thành mãn tính, nghĩa là họ sẽ phải chung sống với chứng bệnh này suốt đời…

Ảnh: tuasaude.com

3. Phụ nữ có thai

Với các trường hợp mang thai, việc cười thật to, thật nhiều cũng đều không tốt. Hành vi cười to làm cho cơ bụng co thắt mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc sinh non.

Đặc biệt, phụ nữ từng bị sảy thai được khuyến cáo là không nên cười to, cười nhiều, chỉ nên cười mỉm để giữ cho tinh thần luôn vui vẻ và tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Ảnh: babybl.com

4. Người mắc bệnh tim mạch

Chúng ta cũng thường nghe đến câu nói chết vì cười, nghe có vẻ vô lý nhưng đây là chuyện hoàn toàn có thật.

Khi chúng ta cười một cách quá khích hay cười không kiểm soát, việc lấy oxi cho cơ thể bị giảm xuống, kích động lên hệ thần kinh, điều này rất không tốt với những người bị bệnh tim mạch, dễ dàng dẫn tới cơn đau tim.

Vậy cười như thế nào mới là “bổ”

Lời khuyên dành cho bạn là hãy cười từ tâm hồn và trái tim của chính mình, đồng thời cũng tiết chế nụ cười của bạn không nên quá khích hay cười là tự lừa dối cảm xúc của chính mình. Hãy buông bỏ mọi lo lắng, cười một cách thật tươi và hoà vào niềm vui hạnh phúc cho những người xung quanh để cho mình nữa nhé

Cười cho chính mình. (Ảnh: YouTube)

1. Cười có tác dụng bồi bổ tế bào thần kinh

Khi chúng ta có chuyện vui, cơ quan thần kinh nhận biết sẽ tiết hormon hạnh phúc và khiến chúng ta thoải mái đồng thời gây cười.

Khi cười, các cơ mặt được co giãn liên tục, các bộ phận xương cơ toàn thân cũng rung động, co giãn từng đợt liên tục một cách tự nhiên, như vậy kích thích tuần hoàn và máu được lưu thông nhiều hơn; máu được đưa đến tim, não và các cơ quan khác nhiều hơn.

Cười to kích thích hai bán cầu đại não, giúp tăng cường khả năng tiếp thu các sự kiện mới và lưu giữ những thông tin cũ.

2. Tăng cường chức năng cơ quan nội tạng

Khi cười, tuyến thượng thận tăng tiết corticoid, giúp cơ thể tăng cường chất chống dị ứng, chống đỡ các quá trình stress và nâng cao sức đề kháng.

Cơ hoành lúc này cũng được nâng lên hạ xuống, các cơ bụng co bóp, tác động vào bộ máy tiêu hóa, giúp ruột tăng nhu động, chống táo bón, tăng hoạt động của các tuyến tiêu hóa, giúp hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Các cơ quan như gan, thận, lách… cũng nhờ máu lưu thông mà tăng cường các chức năng của chúng.

Cười để khoẻ hơn. (Ảnh: benonicitytimes.co.za)

3. Tăng cường chức năng hô hấp

Khi cười to, cười thoải mái, phổi sẽ nở ra liên tục, tác dụng làm sạch đường thở, đẩy các khí độc ra khỏi cơ thể. Tiếp theo là hít vào sâu làm tăng tính đàn hồi của nhu mô và các tiểu phế quản, oxy được đưa nhiều vào cơ thể, chống hiện tượng xơ dính các tổ chức kẽ và màng phổi.

4. Xua tan phiền muộn

Khi bạn có việc bức xúc, lo lắng thì nên cùng bạn bè đến những nơi vui chơi giải trí. Các trò chơi sẽ đưa bạn hòa vào không khí vui nhộn, ồn ào; những cảnh ngộ nghĩnh, kỳ lạ sẽ khiến bạn phải bật cười sảng khoái. Thế là bạn đã tăng thêm hưng phấn, lạc quan yêu đời. Tiếng cười không những xua tan nỗi ưu tư bực bội mà còn giúp bạn nảy sinh những ý tưởng mới để giải quyết công việc một cách minh mẫn và chính xác…

Cười để xua tan phiền muộn. (Ảnh: Pinterest)

5. Tốt cho hệ tim mạch

Y học hiện đại đã chứng minh: “Cười là vận động tâm hồn, là thể dục cho tim mạch”. Sau những dịp vui chơi với bạn bè, tay bắt mặt mừng, nói cười vui vẻ thì huyết áp ổn định và hạ thấp.

6. Tăng khả năng miễn dịch

Khi cười, hệ bạch cầu tăng. Mà bạch cầu như đội quân xung kích, là những vệ sĩ đắc lực của cơ thể, hàng rào lý tưởng ngăn chặn các yếu tố ngoại lai có hại xâm nhập vào cơ thể. Do đó, cười giúp cơ thể chống lại bệnh tật rất tốt.

7. Giúp cơ thể trẻ lâu, tăng tuổi thọ

Khi cười, có 17 cơ mặt rung động, co giãn nhịp nhàng nên cười có tác dụng làm mờ các nếp nhăn ở trán, khóe mắt và rãnh mũi, má. Người có tính tình vui vẻ, luôn tươi cười sẽ giữ được nét mặt trẻ lâu, giữ được phong độ trẻ trung khi về già.

Cười để trẻ lâu. (Ảnh: WordPress.com)

8. Có tác dụng giảm bớt áp lực công việc

Trong khi lao động nặng nhọc, đi xe, đi bộ đường dài… mọi người thường mệt mỏi, buồn ngủ. Những câu chuyện tiếu lâm, hài hước thường được mọi người hưởng ứng bằng những trận cười thoải mái, mệt nhọc sẽ bị xua tan. Sau những giờ học hoặc họp hành căng thẳng, mọi người kể những câu chuyện vui cười sẽ làm giảm nhẹ sức ép của công việc và học tập.

Tường Lan

Exit mobile version