Nhiệt độ quá cao, chức năng trường vị (tiêu hóa) của người do bị nắng nóng kích thích có thể tương đối suy yếu, dễ phát sinh những khó chịu như đầu nặng, uể oải, ngực bụng buồn bực, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí dẫn tới say nắng (Đông y gọi là trúng thử), tổn hại sức khỏe.
Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là thời gian sau buổi trưa nhiệt độ tăng cao, nên hạn chế tiến hành công việc hoặc hoạt động ngoài trời, nhất là các đối tượng người già, người sức khoẻ yếu và trẻ em. Nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời, cần tránh phơi nắng trong một thời gian dài, đồng thời sử dụng các biện pháp chống nắng: mặc quần áo sáng màu hoặc màu mộc, đội mũ che nắng, mũ cói hoặc dùng ô; uống nhiều nước, có thể dùng nước muối loãng.
Tại môi trường làm việc nhiệt độ cao, các doanh nghiệp, công ty nên sử dụng các biện pháp chống nắng hạ nhiệt hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức chống say nắng, phân bổ hợp lý điều phối thời gian làm việc của công nhân, tránh thời điểm nhiệt độ cao làm việc ngoài trời.
Ngoài ra, có thể điều chỉnh thêm trong chế độ ăn uống, uống chút nước đậu xanh, dùng hạt sen, bạc hà, lá sen cùng với gạo tẻ, đường phèn nấu cháo không chỉ thơm ngọt sảng khoái, còn là bài thuốc cực tốt thanh nhiệt giải thử, có hiệu quả phòng thử hạ nhiệt. Một khi có biểu hiện say nắng, nên đưa bệnh nhân đến nơi râm mát thông thoáng, nằm nghỉ ngơi, nới rộng quần áo, dùng khăn mát đắp lên đầu, cổ, nách, bẹn, sau đó mang tới bệnh viện gần nhất để điều trị. Phần tiếp theo của bài viết sẽ giới thiệu tới độc giả một số thức uống hạ nhiệt và biện pháp phòng tránh say nắng mùa hạ:
Thức uống hạ nhiệt
Giữa mùa nắng nóng, nhiệt độ cao, thời tiết khô hanh, thường làm cơ thể có triệu chứng ăn không ngon, ngủ kém, dễ xuất hiện váng đầu, đau đầu, mệt mỏi, thậm chí buồn nôn, nôn… Dự phòng trúng thử bằng việc dùng thức uống phòng thử hạ nhiệt cũng là một trong những phương pháp có hiệu quả.
1. Nước Sơn tra: Sơn tra 100g, Ô mai 50g (loại mua tại hiệu thuốc Đông y), thêm 3.5 lít nước nấu nhừ, cho vào 100g Bạch cúc hoa, đun sôi sau đó vớt ra, rồi cho vào lượng đường trắng thích hợp, để nguội uống.
2. Nước dưa hấu ướp lạnh: Dưa hấu bỏ vỏ, bỏ hạt, thịt quả thái hạt lựu, đổ cả nước vào trong chậu ướp lạnh. Sau đó dùng lượng đường phèn, đường trắng thích hợp, thêm nước vào đun sôi, hớt bỏ bọt bên trên, đặt vào tủ lạnh trữ lạnh. Khi dùng lấy dưa hấu đổ vào nước đường đã được ướp lạnh là được.
3. Canh đậu xanh ô mai: Đậu xanh 150g, Ô mai 100g, cho thêm nước vào nấu nhừ, cho lượng thích hợp đường trắng, để nguội dùng.
4. Nước Kim ngân hoa (hoặc Cúc hoa): Kim ngân hoa (hoặc Cúc hoa) 30g, cho lượng thích hợp đường trắng, nước sôi vào hãm, sau khi nguội có thể dùng. Kim ngân hoa có công dụng khu thử thanh nhiệt, giải độc cầm lỵ. Cúc hoa giúp tiêu thử, bình can, lợi tiểu.
5. Nước nấu từ vỏ xanh dưa hấu: Dưa hấu rửa sạch sau đó cắt lớp vỏ xanh mỏng, cho nước vào nấu 30 phút, bỏ bã, thêm lượng thích hợp đường trắng, đợi nguội dùng.
6. Nước dừa ngân nhĩ (nấm trắng): Ngân nhĩ 30g rửa sạch sau đó dùng nước ấm ngâm nở, bỏ đi phần gốc cứng, cùng với 125g nước dừa, đường phèn và nước lượng thích hợp, đun sôi là được.
7. Lá sen: Lá sen 30 g, cho nước sôi vào hãm uống. Thích hợp cho người trúng nắng dẫn tới tâm phiền ngực tức, váng đầu đau đầu. Bệnh nhân có cao huyết áp đặc biệt thích hợp.
Các kiến thức phòng say nắng khác
1. Ăn ít chia nhỏ bữa: Lượng thức ăn ăn trong 1 bữa mà nhiều, thì khi tiêu hóa lượng thức ăn này, cơ thể phải sản sinh nhiệt lượng chuyển hóa lớn. Do đó không nên ăn quá no, mà nên tăng thêm một số bữa phụ. Đặc biệt chú ý bớt ăn thực phẩm giàu đạm, chúng sản sinh nhiệt lượng chuyển hóa đặc biệt nhiều
2. Ăn thực phẩm cay nóng: Bác sĩ cho rằng, mặc dù trong ngày đại nóng ăn những đồ này khó mà tưởng tượng, nhưng thực phẩm cay có thể kích thích tiếp thụ nhiệt lượng trong khoang miệng, tăng cường tuần hoàn huyết dịch, dẫn tới ra lượng lớn mồ hôi, những điều này giúp ích để hạ thấp nhiệt độ cơ thể.
3. Tắm nước ấm: Tốt nhất là dùng nước ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1 chút để tắm vòi hoặc bồn, đặc biệt là trước khi ngủ.
4. Uống nhiều nước: Bác sĩ kiến nghị bớt uống rượu mà uống nhiều nước, bởi vì cồn có khả năng dẫn tới thiếu nước toàn thân, nước khoáng là lựa chọn tốt hơn cả.
5. Tránh vận động mạnh: Vận động mạnh sẽ kích hoạt năng lượng của cơ thể, gia tăng nhiệt độ nội thân.
6. Sử dụng túi chườm mát: có thể sử dụng liên tục túi chườm mát là phương pháp rất tốt giảm thấp nhiệt độ bề mặt da, chất dịch bên trong.
7. Chọn kĩ gối ngủ: sử dụng gối lông vũ hoặc lông tuyết, vỏ gối tốt nhất là chất cotton, vỏ gối sợi tổng hợp có thể tích lũy nhiệt lượng.
8. Rửa tay bằng nước mát: Cứ cách mấy giờ đồng hồ dùng nước máy rửa tay 5 giây, bởi vì cổ tay là nơi động mạch nông chảy qua, như vậy có thể giảm nhiệt độ máu, làm mát cơ thể.
Môt số trái cây tươi phòng say nắng
1. Đào
Đào là trái cây điển hình mùa hè, ngon mà giá trị dinh dưỡng rất cao, vị ngọt, chua, tính ấm, quy kinh can, đại trường. Sinh tân, nhuận tràng, hoạt huyết, tiêu thực, giáng áp. Đào non khô được gọi là Bích đào khô, có thể dùng để chỉ hãn (cầm mồ hôi), chỉ thống (giảm đau); hạt đào bỏ lớp vỏ chính là thuốc Đông y – Đào nhân, có thể hoạt huyết hóa ứ, nhuận tràng thông tiện.
2. Kiwi
Kiwi là thực phẩm làm đẹp dưỡng nhan cho nữ giới rất tốt, gồm hơn 40 loại. Trong đó kiwi Trung hoa, kiwi hoa lông là tốt nhất. Kiwi vị ngọt, chua, tính hàn. Nhập kinh tỳ, vị. Công hiệu thanh nhiệt chỉ khát, tiêu nhọt thông tiểu. Có thể dùng trong chứng nhiệt thống (đau do nhiệt) thương tân, phiền nhiệt miệng khát, phụ nữ nhũ ung (viêm vú), sa trực tràng, thấp nhiệt hoàng đởm, lâm trọc (tiểu đục), đới hạ (khí hư)…
3. Nho
Nho là một loại trái cây tốt cho sức khỏe, dinh dưỡng rất cao và ngon. Quả, rễ, cành, lá đều có thể làm thuốc. Vị chua, ngọt, tính hàn, nhập kinh phế, thận, tỳ. Công dụng sinh tân chỉ khát, khai vị tiêu thực, bổ huyết an thai. Có thể dùng trong chứng thương tân miệng khát, tâm phiền, tiểu vàng, ăn không tốt, huyết hư tâm quí (hồi hộp đánh trống ngực)…
4. Mã thầy
Mã thầy rửa sạch bỏ vỏ cuống là có thể dùng làm thuốc. Vị ngọt, tính bình, quy kinh phế, vị. Công dụng thanh nhiệt chỉ khát, lợi thấp hóa đàm, giáng hạ huyết áp. Có thể dùng trong chứng nhiệt bệnh thương tân, miệng khát ăn ít, đại tiện táo ra máu, ho do phế nhiệt… Ngoài ra đối với thấp nhiệt hoàng đởm, viêm thận thủy thũng, một số tật về mắt… cũng có hiệu quả nhất định.
5. Quả trám (ô liu)
Trám là quả rất điển hình của phía Nam, vị ngọt, chua, tính bình, quy kinh phế, vị. Công hiệu thanh nhiệt giải độc, hóa đàm tiêu tích. Có thể dùng trong họng đau, ho có đàm do cảm mạo.
Mùa hè thời tiết nóng bức khô hanh, rất dễ mất cảm giác thèm ăn, ăn một chút trái cây sinh tân, khai vị có thể gọi là lựa chọn không tồi. Vừa giải nhiệt, lại có thể khởi được tác dụng bảo vệ sức khỏe, làm sao có thể bỏ qua được?
Lưu ý việc dùng các thực phẩm thanh đạm
30 ngày Tam Phục Thiên (khoảng thời gian giữa Tiểu Thử và Lập Thu) nhiệt độ không ngừng tăng cao, độ ẩm không khí gia tăng, rất nhiều người không có cảm giác thèm ăn. Lúc này thử ăn nhiều thực phẩm thanh đạm 1 chút, không chỉ có thể xúc tiến cảm giác thèm ăn, còn có thể phòng bệnh. Thực phẩm thanh đạm có thể thanh nhiệt, phòng thử, liễm hãn (cầm mồ hôi), bổ dịch, còn có thể tăng cường cảm giác thèm ăn.
Ăn rau củ quả tươi, vừa có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, lại có thể phòng tránh trúng thử. Đồ ăn nên ăn loãng là tốt nhất, như cháo đậu xanh, cháo hạt sen, cháo lá sen… Còn có thể uống chút thức uống thanh đạm và mát như vừa nêu trên. Ngoài ra, ăn chút dấm, vừa có thể sinh tân khai vị, lại có thể ức chế tiêu diệt vi khuẩn, phòng tránh bệnh dạ dày và đường ruột.
Chuyên gia nhấn mạnh: “thanh đạm” thực chất là món ăn dùng ít dầu, tuyệt nhiên không phải là không ăn thịt cá. Mùa hè càng cần chú ý lượng protein nạp vào, mỗi ngày lượng nạp vào từ 70-90g, mà tốt nhất hơn một nửa trong số đó là protein chất lượng cao từ cá, tôm, thịt nạc, thịt gà, thịt vịt, trứng, sữa và chế phẩm từ đậu… dễ được cơ thể tiêu hóa và hấp thu.
Theo baike.baidu.com
Liên Hoa