Tháng 7 – 8 là mùa mưa bão tại miền Bắc nước ta, nhiều ngày thời tiết âm u, mưa bão liên miên. Ngoài việc quần áo, thực phẩm, sách vở… dễ sinh nấm mốc thì con người cũng bị ảnh hưởng không ít. Tà khí phong, thấp, hàn, nhiệt xâm nhập tứ chi các khớp, bì phu nội tạng của thân thể, có thể dẫn tới các loại khó chịu. Đối với bệnh nhân đã bị bệnh phong thấp càng cần phòng hộ.
Theo Đông y, phong thấp hay tý chứng là do cơ thể hư nhược bị phong, hàn, thấp, nhiệt thừa cơ xâm nhập kinh lộ, cơ nhục, khớp xương, làm tổn thương huyết mạch. Dưới đây, xin gửi đến các độc giả phương thức bảo dưỡng đối với bệnh nhân phong thấp mùa mưa lũ của viện trưởng Phó Cảnh Long, Bệnh viện y học cổ truyền Hằng Khang, thành phố Trường Xuân (Trung Quốc).
1. Viêm khớp Gout
Kiêng canh súp hải sản; điều trị cần phải khu thấp, thanh nhiệt.
Bệnh Gout – thống phong đại đa số thuộc thể trạng đàm thấp, chủ yếu biểu hiện là hình thể béo phì, cơ nhục mềm nhẽo, tinh thần uể oải, thân thể nặng nề, thích ngủ, miệng dính, lưỡi bệu to, rêu lưỡi trơn nhớt. Nhóm người này ăn nhiều thịt, nhiều cá, đồ ngọt… các đồ giàu calo. Nhóm bệnh nhân này rất ôn hòa, sức chịu đựng cao, nhưng dễ bị bệnh tim – mạch vành, cao huyết áp, mỡ máu bất thường, bệnh tiểu đường… Đối với mùa mưa mùa nấm mốc và môi trường hoàn cảnh thấp nặng, khả năng thích ứng là kém.
Ngoại cảm thấp nhiệt tà, ăn uống cao đạm ngấy béo, hoặc lao lực tỳ hư, ắt dễ tạo thành thống phong phát tác. Nhẹ thì gót chân, mắt cá, đầu gối căng tức khó chịu; nặng thì khớp bàn chân, ngón chân phát cấp sưng, nóng, đau. Trong ăn uống, nên hạn chế thức ăn đồ uống giàu purine như các loại rượu, hải sản, nội tạng động vật, canh thịt. Thời kỳ phát tác giảm thiểu hoạt động các khớp, đồng thời tới phòng khám chuyên khoa Gout tích cực điều trị.
2. Viêm khớp dạng thấp
Kiêng tránh phong hàn, nên ôn dương hóa thấp.
Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đại đa số thuộc thể trạng khí hư huyết thiếu. Chủ yếu biểu hiện là sắc diện không sáng, nhợt, đoản hơi, mệt mỏi, dễ cảm mạo, nhiều mồ hôi; hơi động là hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh; hồi hộp, lưỡi hồng nhạt hoặc trắng nhạt, rêu mỏng hoặc ít rêu… Nhóm người này thể trạng bình thường hay sợ gió, sợ lạnh, có lúc các khớp nặng nề khó chịu, ăn không ngon miệng.
Mùa mưa âm vũ liên miên, hàn thấp xâm nhập kinh lạc, dễ đọng tại cơ nhục các khớp, dẫn tới các khớp sưng đau tức mỏi, co duỗi không linh hoạt, nhẹ thì lên lầu khó, nặng thì không thể giơ tay và đi lại. Trong cuộc sống nên kiêng tránh ở lâu trong môi trường thấp nhiệt, bên ngoài thì tránh phong hàn, ra mồ hôi thì kịp thời dùng khăn khô lau sạch. Khi bệnh tật phát tác cần giảm thiểu hoạt động các khớp, đồng thời phối hợp tích cực với bác sĩ chuyên khoa tiến hành trị liệu, kịp thời khu trừ hàn thấp, hồi phục hoạt động các khớp.
3. Viêm cột sống dính khớp
Kiêng hàn thấp khí, nên giữ ấm, tinh thần lạc quan.
Ngày mưa bão, độ ẩm thấp trong không khí tương đối nhiều, người bệnh viêm cột sống dính khớp chức năng miễn dịch tự thân rối loạn, do đó không thể thích ứng khí hậu biến hóa trong mùa mưa, dễ dẫn tới thấp khí xâm nhập cơ thể, làm nặng thêm chứng viêm khớp.
Bệnh nhân dính khớp nên chú ý quan tâm sát sao đến tình hình thời tiết, kịp thời mặc thêm y phục giữ gìn tốt các khớp. Ngoài ra, duy trì tâm lý lạc quan tích cực cũng tương đối quan trọng. Bệnh nhân dính khớp trong ngày mưa bão, rất dễ phát triển cảm xúc tiêu cực phụ diện. Lúc này, tâm lý khỏe mạnh tích cực có thể giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật.
4. Một số biện pháp dự phòng chung bệnh phong thấp
Tuy bệnh phong thấp tỷ lệ gây tàn phế tương đối cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, vẫn có thể khống chế bệnh tiến triển, thậm chí là chữa khỏi. Do đó, nếu có thể phổ cập kiến thức thường thức về bệnh này, bác sĩ và bệnh nhân sẽ có cảnh giác đầy đủ, thì có thể nâng cao trình độ chẩn đoán và trị liệu, khống chế bệnh tình phát triển, giảm thiểu tỷ lệ tàn tật và tăng cường khả năng lao động.
a. Tăng cường tập luyện, nâng cao thể trạng
Thường xuyên tham gia luyện tập thể dục hoặc lao động sản xuất như luyện khí công, thái cực quyền, tập thể dục buổi sáng theo đài, tản bộ… có tác dụng rất tốt. Phàm là người kiên trì luyện tập thể dục, thân thể sẽ cường tráng, khả năng kháng bệnh mạnh, khả năng kháng ngự phong hàn thấp tà xâm nhập so với người không qua rèn luyện thể dục mạnh hơn rất nhiều.
b. Phòng tránh phong hàn thấp tà xâm nhập
Đại đa số bệnh nhân trước khi phát bệnh hoặc tái phát bệnh đều có ra mồ hôi (chính là phong hàn xâm nhập, tà chính phân tranh mà gây ra), tiền sử tiếp xúc nước lạnh. Mùa mưa thấp khí tương đối nhiều, lúc này dễ phát bệnh phong thấp. Do đó, cần phòng ngừa cảm thụ hàn tà, ướt mưa và bị ẩm; bộ phận các khớp cần chú ý giữ khô ráo, không mặc áo ướt, đi giày ướt hay tất ướt… Mùa hạ thử nhiệt đương thịnh, không nên ham mát mà phơi sương, uống nhiều nước mát lạnh… Cần tiến hành dưỡng nhan làm đẹp một cách đúng đắn, đừng vì làm đẹp, thích mát mẻ mà cái gì cũng không quản, ăn mặc không kín đáo… Mùa hè hay nằm điều hòa cần phòng cảm thụ phong hàn xâm nhập mà kích thích xương cốt, chú ý giữ kín là quan trọng nhất.
Ngoài ra, có một số nghề nghiệp làm việc trong môi trường thủy thấp hàn lạnh, như dưới giếng, dưới hầm mỏ, làm việc lộ thiên ngoài trời… nhất định cần chú ý sử dụng bảo hộ lao động. Trong và sau khi lao động, không thể toàn thân đang nóng, đầm đìa mồ hôi liền đi tắm. Đệm, chăn đắp nên thường xuyên giặt phơi, để bảo trì sạch sẽ và khô ráo, lao động ra mồ hôi tránh ngồi quạt thốc thẳng gió. Quần áo mặc sát người ướt mồ hôi nên kịp thời thay ra giặt sạch.
c. Chú ý lao động kết hợp nghỉ ngơi thích hợp
Y học cổ truyền trước tới giờ chủ trương ẩm thực hữu tiết (có tiết chế), sinh hoạt hữu thường (sinh hoạt không quá độ), bất an tác lao (không nên an nhàn mà nên lao động) là phương pháp cường thân bảo vệ sức khỏe chủ yếu. Quá sức mệt mỏi, chính khí tổn, phong hàn thấp tà có thể thừa cơ thể trạng yếu mà xâm nhập. Trên lâm sàng, có một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bệnh tình mặc dù cơ bản là khống chế, trong thời kỳ bệnh hồi phục, thường do mệt mỏi quá sức mà lại nặng thêm hoặc tái phát. Do đó, cần lao động và nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động và nghỉ ngơi cần thích hợp.
d. Bảo trì trạng thái tâm lý bình thản
Có một số người bệnh do tinh thần bị kích động, quá độ bi thương (đau buồn), áp lực tinh thần… mà dẫn tới phát bệnh. Khi bị mắc bệnh này, những thay đổi về tâm lý lại thường làm bệnh tình tăng nặng. Như vậy, nhân tố tinh thần đối với bệnh lý có ảnh hưởng nhất định. Hiện nay nghiên cứu miễn dịch học đã chứng minh, chức năng miễn dịch của cơ thể cũng bị nhân tố thần kinh và nội tiết điều tiết. Do đó, bảo trì trạng thái tâm lý thoải mái sẽ duy trì chức năng bình thường của hệ miễn dịch.
Y học cổ truyền nhìn nhận, thất tình: hỉ (vui), nộ (giận), ưu (buồn), tư (tư lự, lo nghĩ), bi (đau thương), khủng (sợ hãi), kinh (kinh khiếp, sửng sốt) có thể ảnh hưởng chức năng bình thường của tạng phủ, chủ yếu là ảnh hưởng khí cơ của nội tạng, làm khí cơ thăng giáng thất điều (thất thường), chức năng khí huyết rối loạn, khả năng kháng bệnh giảm, dễ bị ngoại tà xâm nhập mà phát bệnh.
e. Dự phòng và khống chế nhiễm trùng
Có những bệnh viêm khớp là sau khi bị viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm túi mật mãn, sâu răng… các bệnh nhiễm trùng mà phát bệnh. Giới y học cho rằng, đây là do cơ thể đã phát sinh phản ứng tự miễn dịch đối với những tác nhân gây bệnh nhiễm trùng này mà dẫn tới bệnh. Do đó, dự phòng nhiễm trùng và khống chế tổn thương do nhiễm trùng trong cơ thể cũng là rất quan trọng.
Theo www.sohu.com và jingyan.baidu.com
Liên Hoa