Một nhóm gồm 75 bác sĩ và y tá tại Texas, Mỹ đã tham gia ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ liền để tách rời 2 bé song sinh dính liền ngực và bụng.
Theo Daily Mail, trường hợp của 2 bé gái Hope Richards và Anna Grace chào đời vào ngày 29/12/2016 nhưng bị dính liền ở một số mô xung quanh tim, gan, cơ hoành.
Kiểu sinh đôi dính liền thân như của Anna và Hope là phổ biến nhất trong các ca sinh đôi dính liền, chiếm tới 28%. Tỷ lệ sinh đôi dính liện là là 1/200.000 ca sinh nở trên toàn thế giới. Mặc dù y tế hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều so với thập kỷ trước, nhưng vẫn có đến 35% số trẻ sinh đôi dính liền tử vong chỉ 1 ngày sau khi chào đời.
Trước đó, qua kết quả siêu âm thai, cha mẹ của 2 bé đã biết trước khi sinh con rằng 2 bé sẽ bị dính liền. Hình ảnh siêu âm cho thấy con họ thuộc dạng dính liền thân – tức là một tỷ lệ lớn các bộ phận cơ thể dính liền nhau.
Gia đình họ không biết chắc chắn rằng liệu các em có thể sống một cuộc sống riêng rẽ hay không, cho đến khi hai bé chào đời.
Việc phẫu thuật tách rời các cặp song sinh dính liền là thách thức với cả những bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất.
Với nhiều ca sinh đôi dính liền, việc tách các bé ra là không thể thực hiện được bởi vì 2 cơ thể chia sẻ với nhau quá nhiều các cơ quan thiết yếu và mạch máu. Hoặc, với nhiều gia đình, việc chia tách phải trả giá bằng mạng sống của 1 trong 2 bé.
Sau gần 2 năm được chăm sóc đặc biệt và các thủ tục chuẩn bị phẫu thuật chu đáo, họ đã được phẫu thuật tách rời thành công vào ngày 13/1/2018.
Quá trình chuẩn bị kéo dài tới 2 năm, đầy vất vả với 2 chị em song sinh. Đặc biệt, vào tháng 11/2017, các bác sĩ phẫu thuật đã cấy mô mở rộng vào phần bụng mà 2 chị em dính liền nhau. Đây là bước chuẩn bị không thể thiếu, đảm bảo đủ da bao phủ cho phần cơ thể sắp tách rời nhau.
Ca phẫu thuật gồm 75 bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia và y tá. Quá trình phẫu thuật tách Anna và Hope đòi hỏi các bác sĩ tim mạch phải tách được phần tim chung, đồng thời các bác sĩ phẫu thuật tạo hình tái tạo mô trên 2 thân thể mới tách rời.
Thách thức lớn nhất của ca phẫu thuật còn là việc định tuyến lại các mạch máu để đảm bảo rằng cả 2 bé không mất quá nhiều máu trong phẫu thuật, và tất cả các cơ quan của họ đều có nguồn máu cung cấp phù hợp trong suốt cuộc đời mới của họ.
“Thông qua vô số các cuộc họp lập kế hoạch, thử nghiệm trên mô hình, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống có thể nảy sinh trong quá trình phẫu thuật tách rời” – Tiến sĩ, Bác sĩ Larry Hollier, tại Bệnh viện Nhi Texas cho biết.
“Chúng tôi rất vui mừng với kết quả đạt được và mong muốn tiếp tục chăm sóc cho Anna và Hope cho đến khi các bé hồi phục hẳn”, ông nói thêm.
Cả 2 bé đều hồi phục tốt sau phẫu thuật, một bé mới ra viện hơn 10 ngày trước, một bé dự kiến cũng sẽ xuất viện trong thời gian ngắn sắp tới.
Phương Nam