Theo lịch sử y học cổ truyền của Trung Hoa, từ 3000 năm trước Công nguyên, nhân sâm đã được nói đến như là một thần dược trong “Thần nông bản thảo” của vua Thần Nông. Cùng với nhân sâm Hàn Quốc, hai loại sâm này đã rất nổi tiếng trên thế giới về công dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng có các loại sâm có tác dụng trị bệnh và nâng cao sức khỏe không kém cạnh.
Đông y coi sâm là vị thuốc hàng đầu trong các vị thuốc bổ, theo thứ tự sâm, nhung, quế, phụ. Sâm ở đây chính là để chỉ nhân sâm. Vì vị nhân sâm là thuốc bổ củ phình ra giống hình người cho nên một số vị thuốc khác có củ phình ra, có tác dụng bồi bổ nên cũng được gọi là sâm. Sau đó để phân biệt các vị với nhau người ta thêm tên địa phương vào như sâm bố chính (ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình), sâm Ngọc Linh (ở núi Ngọc Linh, Việt Nam)… hoặc thêm tên màu sắc như huyền sâm (sâm có màu đen), đan sâm (sâm có màu đỏ).
1. Nhân sâm Việt Nam
Đứng đầu danh sách những loại sâm quý ở Viết Nam là nhân sâm Việt Nam, còn được gọi là sâm Ngọc Linh, sâm K5, người dân tộc Xê – đăng gọi là “thuốc giấu”. Đây là loại sâm của Việt Nam đứng top 5 trong bảng xếp hạng các loại sâm quý được thế giới công nhận.
Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, tháng 9/1985, bà Hà Thị Dụng và cộng sự I.V. Grushvisky, sau khi nghiên cứu 50 mẫu vật đối chiếu với những mẫu vật của thế giới đã kết luận sâm Ngọc Linh là loài nhân sâm mới, một loài Panax đặc hữu của khu hệ thực vật Việt Nam và đặt tên là Panax Vietnamensis Hà et Grushv.
Lần đầu tiên trên thế giới, người ta chiết xuất được một hàm lượng lớn majonozit R2 và ocotillol saponin trong cùng một loại Panax (chiếm 4, 34%) gấp 43 lần so với những loài panax khác ở thời điểm nghiên cứu. Hơn nữa nhân sâm Việt Nam chứa số lượng saponin nhiều nhất là 49 so với 26 trong nhân sâm Triều Tiên. Saponin là một hợp chất đi vào cơ thể người và làm sạch các mạch máu, các cơ quan trong cơ thể.
Trước khi được nghiên cứu, sâm Ngọc Linh đã được dân tộc thiểu số Việt Nam – người Xê Đăng, dùng làm thuốc với tác dụng cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, trị sốt rét. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress, trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, ăn ngon ngủ tốt, tăng cường sinh lực. Nhân sâm Việt Nam không có tác dụng tăng huyết áp như nhân sâm Triều Tiên.
2. Sâm bố chính
Cây thuộc họ Bông Malvaceae. Sâm bố chính là rễ phơi khô của cây sâm bố chính. Cây có tên là sâm bố chính vì có một vị y gia thời xưa đã dùng cây này lần đầu ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, cây còn có một số tên khác như sâm thổ hào vì mọc ở Thổ Hào, Nghệ An hay sâm báo vì mọc ở núi Báo, Thanh Hóa.
Sâm bố chính là một loài cây thân thảo mềm yếu, sống dai. Công dụng chữa ho, sốt nóng, trong người gầy khô, táo, khát nước. Được xem như một vị thuốc bổ, thông tiêu tiện, điều hòa kinh nguyệt.
Vị thuốc này được gọi là sâm, hình dạng như nhân sâm nhưng không thuộc họ Panax và có các công dụng đặc hiệu. Loại sâm này thường được dùng để ngâm rượu hay phơi khô, xay thành bột vo viên với mật ong dùng hoặc nấu cao.
3. Sâm đá
Đây là loại sâm thường mọc trên vùng núi đá vôi như ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…Đặc điểm của củ sâm xuyên đá này khá nhỏ, có màu vàng nhạt. Thân nhỏ chỉ bằng cái đũa. Mùi vị của củ thơm mát và dễ chịu và đặc trưng của saponin là một hoạt chất thường thấy trong các loại sâm.
Loài cây này sinh trưởng cũng rất kỳ lạ, khi còn nhỏ thì cây dài ra như các cây thân gỗ mọc thẳng tắp nhưng khi càng lớn thì phần ngọn của cây dài ra rồi mềm sau đó phát triển dạng như dây leo và mọc bám vào các cây gỗ lớn. Củ của cây cũng vậy càng lớn càng dài ra chứ không to ra, nếu củ mà to ra thì là củ ít năm tuổi.
Theo các nghiên cứu của Cục Quân y Việt Nam về loài sâm này được đánh giá hàm lượng chất saponin tổng hợp rất cao chỉ thấp hơn sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên một chút. Nhưng lại cao hơn sâm Ngọc Linh trồng 5 năm tuổi và sâm Triều Tiên. Đặc biệt là cả thân và lá của cây đều có chứa saponin thậm chí bằng 70% của củ.
Vì có chứa các hoạt chất saponin nên sâm đá có công dụng tái tạo tế bào mới, giúp cơ thể hồi phục và tăng cường sức khỏe nhanh chóng, giúp thể lực sung mãn và giải độc tố mạnh mẽ. Sâm đá là một loại nhân sâm hữu ích cho người mắc bệnh tim.
4. Cây đinh lăng
Cây đinh lăng thuộc họ Cuồng Cuồng, được danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gọi là cây “sâm của người những nghèo” vì những giá trị dược tính quý như nhân sâm nhưng lại rẻ và dễ tìm, được trồng ở nhà nhiều người dân Việt để làm cảnh và lấy lá ăn sống.
Củ đinh lăng có công dụng tăng sức khỏe, bồi bổ cơ thể, giúp bổ thận và tráng dương, hỗ trợ điều trị bệnh sốt lâu ngày, bị háo khát hoặc đau tức ngực, bệnh đau nhức đầu, nước có tiểu vàng hoặc thiếu máu; chữa tắc tia sữa, thiếu sữa … Ngoài ra lá cây này cũng có tác dụng chống giật mình cho trẻ em.
Phân tích khoa học trong củ đinh lăng tươi có chứa nhiều hoạt chất saponin gần giống như nhân sâm Triều Tiên, nhân sâm Mỹ, và các vitamin quan trọng của cơ thể, ngoài ra củ của cây còn phát hiện có chứa khoảng 13 loại axit amin thiết yếu của cơ thể. Do đó cây ‘sâm’ đinh lăng có tác dụng rất tốt để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể. Cây đinh lăng giúp làm tăng trí nhớ cho bộ não và tăng cường sức khỏe cơ thể nên một số đơn vị y dược trong nước đã nghiên cứu và ứng dụng chiết suất các hoạt chất từ cây để làm thuốc hoạt huyết dưỡng não.
5. Sâm cau rừng
Sâm cau rừng còn gọi là ngải cau, là một dược liệu quý phổ biến ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Một số dân tộc ít người nước ta, dùng rễ cây này làm thuốc bổ nên gọi là sâm, lá của cây giống lá cau nên có tên gọi sâm cau.
Sâm cau có tác dụng chữa ho, vàng da, đại tiện lỏng, có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, điều trị liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh. Dùng ngoài giã nát đắp lên vết ghẻ hoặc vết lở loét mụn nhọt.
Yến Dương