Đại Kỷ Nguyên

Nắng nóng, nhiều người già và trẻ nhỏ nhập viện

Miền Bắc đang trong giai đoan nắng nóng cao điểm, có nơi lên tới 38-40 độ C. Ghi nhận tại nhiều bệnh viện, số lượng người già, trẻ nhỏ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu chảy… nhập viện ngày càng gia tăng khi trời nắng nóng.  

Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin,những ngày qua, nắng nóng gay gắt ở miền Bắc khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu, đặc biệt người già và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Hoàng Thị Hương, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân. Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, con số này tăng vọt hơn 1000 lượt khám/ngày. Nhiều bệnh nhân huyết áp cao, đái tháo đường, tim mạch bị tai biến phải điều trị nội trú.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Ghi nhận tại bệnh viện Bạch Mai và Lão khoa Trung ương, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng từ 30-50 % trong những ngày cao điểm nắng nóng.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai cho biết, riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.

Bên cạnh người cao tuổi, trẻ nhỏ cũng phải nhập viện vì nắng nóng. (Ảnh: Afamily)

Theo Tri Thức Trẻ, khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đang điều trị hơn 100 bệnh nhân nội trú, trong đó, 60% trường hợp mắc viêm đường hô hấp trên và tiêu chảy.

Đang chăm sóc con trai 3 tuổi, chị Phan Thị Kim Sao (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Thấy con có biểu hiện sốt, tiêu chảy liên tục và nôn nhiều, tôi cho cháu uống nước bù điện giải Oresol và đưa cháu nhập viện điều trị”.

Bác sĩ Lê Hữu Anh, Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân trẻ em nhập viện trong những ngày gần đây tăng cao là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh, trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm.

Mặt khác, trẻ bị mất nước, tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt nên dễ bị cảm cúm, sốt, các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, trẻ em dễ gặp các vấn về về đường hô hấp, tiêu hóa, da liễu…

Theo thống kê của bệnh viện Da liễu Trung ương, khoảng 20 % bệnh nhi đến khám do sẩn ngứa côn trùng cắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc rôm sảy, viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng… cũng gia tăng mạnh.

Trẻ nhỏ thường bị rôm sảy, mẩn ngứa, côn trùng cắn và mùa hè.

Bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bị viêm da ánh sáng, lupus ban đỏ, viêm bì cơ, porphirin da… ở người trưởng thành.

BS. Hoàng Văn Tâm, bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin, trong ánh nắng chứa rất nhiều tia cực tím (UVA, UVB) khiến da bị tổn thương, nguyên nhân gây ung thư da.

Các tia cực tím cũng đẩy nhanh tốc độ lão hóa, tăng sắc tố tối màu trên da, dẫn tới sạm da, nếp nhăn, khô, nám da, tàn nhang… Do đó, việc dùng kem chống nắng là biện pháp tốt để ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời.

Người lớn cũng phải nhập viện vì cái nóng như đổ lửa. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tác hại do nắng nóng gây ra, người dân không nên ra ngoài trời trong lúc nắng nóng gay gắt khiến mạch máu bị co giãn đột ngột làm tăng huyết áp. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, phải bôi kem chống nắng, đội mũ, che chắn, đeo kính, khẩu trang…

Thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh, bố trí công việc hợp lý, tránh làm việc quá sức. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, gió quạt thổi trực tiếp vào người tránh sốc nhiệt…

H.H

Exit mobile version