Nhìn bề mặt thớt nhựa cảm giác sạch sẽ, khô ráo lại dễ mua, dễ dùng nên nhiều người tin chọn thớt nhựa cho gia đình mình. Tuy nhiên nguy hại cho sức khỏe có thể bắt đầu từ đây, các chủng vi khuẩn độc hại gây bệnh độc cũng ‘thích’ thớt nhựa hơn.
Hiện nay mọi người thường hay dùng 2 loại thớt chính là thớt nhựa và thớt gỗ. Thớt nhựa trông sạch sẽ, nhẹ, không bị mùn lại dễ làm sạch nên nhiều người lầm tưởng thớt nhựa vệ sinh hơn. Nhưng một vài nghiên cứu cho thấy thớt nhựa mới là môi trường lý tưởng hơn cho vi khuẩn sinh sôi.
Nghiên cứu của Đại học Wisconsin phát hiện ra rằng nhiều vi khuẩn, bao gồm cả Salmonella (thủ phạm gây ra bệnh tiêu chảy) không thể tồn tại trên thớt gỗ khi để qua đêm. Tuy nhiên trên một chiếc thớt nhựa, các vi khuẩn đó lại phát triển và sinh sôi mạnh. Salmonella độc hại thế nào, nhiều người đã rõ. Ngành thực phẩm và y tế thế giới đã tổn thất quá nhiều vì loại vi khuẩn này, phần lớn các vụ thu hồi và tiêu huy thực phẩm là vì bị nhiễm Salmonella.
Theo BS. Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, người nhiễm Salmonella tùy loại mà có thể đơn thuần là bị tiêu chảy hay mắc bệnh thương hàn trong đó tiêu chảy chỉ là một triệu chứng mà thôi, nó còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Ví dụ như nó làm cho người bệnh sốt kéo dài, có thể là một tuần, hai tuần, ba tuần, rồi ảnh hưởng đến phổi, đến tim, làm viêm cơ tim, có thể làm viêm phổi, viêm màng não…
Và vấn đề với cái thớt nhựa không chỉ dừng lại với Salmonella. Một nghiên cứu khác đã cho thấy rằng những người sử dụng thớt nhựa dễ mắc bệnh hơn.
Ngoài ra những chiếc thớt cũ, bị sứt mẻ hoặc có nhiều đường rãnh là nơi ẩn nấp lý tưởng của các mầm bệnh. Mốc cũng có thể sinh trưởng ở dưới bề mặt thớt, tạo màu đen bẩn và có thể gây bệnh. Vì vậy, nếu chiếc thớt trong căn bếp đã quá cũ và có nhiều vết dao, vết mẻ trên bề mặt, thì để an toàn cho sức khỏe bạn nên thay thế bằng chiếc thớt mới.
Thớt gỗ bền chắc và ít bị các vết mẻ, vết dao hằn lên mặt thớt hơn so với thớt nhựa, nên là môi trường khắc nghiệt hơn đối với vi khuẩn.
Một số lưu ý khi sử dụng thớt
- Cả thớt gỗ và nhựa đều có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, cách tốt nhất để giữ an toàn và ngăn ngừa bệnh tật là rửa sạch bằng nước nóng và xà phòng trước khi chuẩn bị chế biến thức ăn.
- Lau khô thớt bằng vải sạch sau khi rửa, không dựng các tấm thớt ướt cùng nhau. Thi thoảng nên tráng các thớt với nước sôi, sau đó mang phơi khô với ánh nắng mặt trời.
- Cắt rau trước khi cắt thịt sống nếu sử dụng cùng chung một tấm thớt.
- Khi thớt cũ mòn, nhiều vết mẻ, đường rãnh thì cần thay mới
Nếu có thể thì bạn nên sử dụng 3 tấm thớt riêng biệt. Một dùng cắt thức ăn sống, một dùng cắt thức ăn chín và một dùng thái trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm.
Theo Dailymail
Đại Hải
Xem thêm:
- Không cần tủ lạnh, đây là 10 mẹo tuyệt hay giữ thực phẩm ngon đáng học hỏi của người xưa
- Tức giận sẽ phá hoại nhan sắc và sức khỏe các bạn nữ như thế nào?
- Không chỉ khỏi bệnh ung thư, tôi còn khỏi được cả tâm bệnh nặng nề
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.