Nếu có một đứa con còi, thì chỉ cần nghĩ về bé đã đủ thấy xót xa, ngoài ra bạn sẽ phải ngậm ngùi vì mang tiếng “vụng chăm con”.

Báo Đời Sống&Pháp Lý đưa ra phân tích, nếu bạn có một đứa con còi, bạn sẽ phải quen dần với việc bị nghe những lời chê trách như “sữa mẹ nóng, sữa mẹ không thơm nên con không tăng cân”. Nếu con đã cai sữa, đang ăn cháo, ăn cơm thì họ lại khuyên “phải dỗ con ăn nhiều vào, bọn trẻ con không ép là nó không ăn đâu” hoặc “mua thêm sữa ngoài, sữa cho trẻ tăng cân kém hấp thu, hoặc cho đi khám dinh dưỡng, uống thuốc bổ đi”.

Lẽ tất nhiên, bà mẹ nào cũng muốn con mình khoẻ mạnh, thông minh (ảnh minh hoạ: Bốn Mùa Yêu Thương).

Nếu bạn có một đứa con còi, bạn sẽ phải thật bình tĩnh khi con bị đem ra so sánh với trẻ hàng xóm. “Nhìn con nhà hàng xóm kia kìa, trẻ con phải mập tròn mới dễ thương. Nhìn bé mới 2 tháng tuổi bự chưa, con người ta mới 2 tháng mà bằng con mình 6 tháng rồi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, mọi hoạt động cười đùa vui vẻ, linh hoạt nhanh nhẹn của con bạn hầu như không ai quan tâm. Con bạn nhanh lẫy, nhanh bò, nhanh ngồi, nhanh nói… đều không quan trọng bằng việc “tháng này tăng bao nhiêu cân, giờ được mấy cân rồi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, thì áp lực làm mẹ của bạn tăng gấp đôi, gấp ba so với những mẹ có con “bình thường”. Người nhà, chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, hàng xóm, những người xung quanh sẽ dán nhãn bạn là “mẹ không biết chăm con”, chừng nào con bạn vẫn còn “còi”. Nghe lâu quen dần, rồi có một ngày bạn cũng nghĩ rằng mình không khéo chăm con thật.

Trẻ chậm tăng cân xuất phát từ nhiều lý do

Theo một phân tích trên Zing,  trong những tháng đầu sau khi sinh, trẻ tăng cân rất nhanh. Khi lớn hơn, tốc độ tăng cân chậm dần theo tháng tuổi khiến các bà mẹ lầm tưởng là con mình đang bị chậm tăng cân. Thực chất, trẻ không tăng cân hoặc tăng cân không đủ chuẩn liên tục trong 2 tháng mới được xem là chậm tăng cân.

Chuẩn tăng cân của trẻ em (theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006, 2007) (ảnh: Zing).

Chính vì vậy bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn (Phó Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 2 – Giám Đốc bệnh viện Victoria Healthcare) có câu nói khiến nhiều người đã nghe thì khó có thể quên: “Ở Việt Nam, nếu ai nói con của bạn còi nghĩa là bé bình thường, bé bình thường nghĩa là bé vừa cân, ai nói bé bụ bẫm dễ thương nghĩa là bé béo phì”.

Khi nền kinh tế phát triển, vật chất dư thừa, không còn đói ăn thiếu mặc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tăng cân ở trẻ em cũng thay đổi, một số nguyên nhân thường gặp hiện nay là: Chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi; không được bú sữa mẹ; thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm trùng đường ruột…); thay đổi môi trường sống liên tục; biếng ăn hay kém tiêu hóa – hấp thu.

“Tăng cân đúng chuẩn” thể hiện cơ thể trẻ đang lớn lên từng ngày. Khi trẻ không nhận đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết, các hệ – cơ quan sẽ không có đủ nguyên liệu để tăng trưởng dẫn đến tình trạng chậm tăng cân.

Khi “chậm tăng cân” kéo dài trong 2-3 tháng, cơ thể bị cạn kiệt dần nguồn năng lượng và các dưỡng chất dự trữ, trẻ sẽ bị quấy nhiễu bởi những người “họ hàng gần của chậm tăng cân” như chậm tăng chiều cao, thiếu máu, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi, táo bón, kém tiêu hóa – hấp thu và các bệnh lý nhiễm trùng. Về lâu dài, trẻ có thể bị nhiều họ hàng vây quanh cùng một lúc, như vừa bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, vừa suy dinh dưỡng thể thấp còi…

Để cải thiện chậm tăng cân ở trẻ, mẹ cần đảm bảo chế độ ăn đa dạng và phù hợp với lứa tuổi, bổ sung các thực phẩm giúp tăng cân phù hợp.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến việc giúp trẻ khắc phục chậm tăng cân (ảnh minh hoạ: Tiêu Dùng Plus).

Cụ thể, sự chuyển tiếp chế độ ăn và tiếp cận đa dạng thực phẩm dựa vào số răng, khả năng tiêu hóa – hấp thu của trẻ: 0-6 tháng trẻ cần bú mẹ hoàn toàn; 7-9 tháng trẻ nên ăn bột; 10-18 tháng nên ăn cháo; 18-24 tháng cần tập ăn cơm và trên 24 tháng trẻ có thể ăn bữa chính cùng gia đình.

Tuy nhiên, cũng đừng vì áp lực con còi mà bổ sung bừa bãi thuốc kích thích ngon miệng, tăng cân cho con. Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo chia sẻ về một trường hợp bé gái được cho là biếng ăn, và mẹ mua thuốc bổ cho bé uống, mỗi ngày 3 muỗng cà phê. Sau khi bé uống vài ngày, từ một bé không thèm ăn gì, biến thành, trở thành một bé cái gì cũng ăn, ăn háo hức, đòi ăn không ngớt. Kết quả là sau một tháng tăng hơn 2kg. Ngưng thuốc là biếng ăn lại ngay, nhưng uống lại là lại ăn nhiều và tăng cân.

Sau đó người mẹ đó quá lo lắng và đưa đến phòng khám. Qua chẩn đoán, bé gái đó mắc hội chứng Cushing điển hình của uống Corticoid kéo dài (rậm lông, gù mỡ ở lưng, mặt tròn căng, hai má đỏ, vú to, mập trung tâm). Bác sĩ Huyên Thảo cho biết: “Corticoid khi uống liều cao kích thích ăn uống rất nhanh và nhiều, nhưng uống liều cao kéo dài không đúng chỉ định sẽ có thể gây các hệ quả sức khoẻ lâu dài không mong muốn, cho hệ cơ xương, tim mạch và nội tiết. Điều đáng nói là ngay cả trước khi tăng cân vì thuốc, cân nặng của bé đã rất tốt, ở ngưỡng cao theo dõi dư cân. Ban đầu bé thật sự không cần tăng cân, chỉ cần theo dõi tập thói quen ăn uống khoẻ mạnh cân bằng”.

Cân nặng chỉ là một trong tiêu chí đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngoài chiều cao và cân nặng, cha mẹ còn phải để ý đến các yếu tố khác như vận động thô, vận động tinh, kỹ năng giao tiếp xã hội của bé. Nên đừng trách cứ một bà mẹ có con bị còi, bởi chỉ làm mẹ thôi đã quá áp lực và căng thẳng rồi.

Video xem thêm: Ông Trời hé lộ công thức tạo ra người mẹ thân yêu

videoinfo__video3.dkn.tv||e78a6592a__