Nếu không lưu ý, những đôi đũa ăn quen thuộc hàng ngày có thể chính là nguồn gốc của các vấn đề sức khỏe trong gia đình. Đũa cũ xước, nứt, tòe đầu… là các ổ cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, sinh ra những chất độc hại cho cơ thể.
Nếu đũa nhà bạn có một trong những đặc điểm sau thì đừng nuối tiếc nữa, hãy thay thế chúng bằng các đôi đũa an toàn hơn!
1. Đũa bị nứt, xước, tòe đầu
Những chiếc đũa nếu bị nứt hay xước, hay gặp nhất là với những loại đũa có chạm khắc nhiều họa tiết, góc cạnh nếu bị hỏng, bong tróc sẽ là chỗ trú ẩn lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh. Bạn sẽ không thể nào rửa sạch chúng thường xuyên, do vậy tốt nhất là nên thay bằng đũa khác.
Hơn nữa với đũa nhiều họa tiết, được sơn phủ nhiều có thể chứa các kim loại nặng, chì và các chất phụ gia độc hại cho sức khỏe.
2. Đũa đã bị đổi màu
Điều này cho thấy sự thay đổi của chất liệu làm đũa. Đũa thay đổi màu thường do phai màu, sự oxy hóa các chất tạo màu trong đũa hoặc ngấm màu từ thực phẩm hay vi khuẩn sinh màu tác động. Những quá trình này cũng tạo ra các độc tố với cơ thể.
3. Đũa dùng quá 6 tháng
Tuổi thọ của đũa ăn thường là 3 đến 6 tháng. Nhiều gia đình dùng đi dùng lại trong nhiều năm, mốc thì rửa đi tráng qua nước nóng rồi dùng tiếp. Thực ra bạn vĩnh viễn không thể làm sạch triệt để được những đôi đũa như vậy. Qua thời gian lâu, với sự tích tụ vi khuẩn và nấm mốc, các độc tố trong đũa có thể gây ung thư hoặc bệnh này bệnh khác, có khi chỉ là tiêu chảy cho trẻ nhỏ, hoặc làm hệ miễn dịch của bạn liên tục mệt mỏi.
4. Đũa nhựa cong, cháy xém hay bị sùi lên
Đồ nhựa có nhiều mẫu mã, nhiều họa tiết đẹp mắt sẽ thu hút hơn. Nhưng đũa nhựa khi gặp đồ ăn nóng sẽ có thể hòa tan một số chất độc hại vào trong thức ăn, nhất là nếu đó là loại nhựa rẻ tiền hoặc sử dụng kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Nhiều gia đình dùng đũa nhựa nấu ăn, khiến đầu đũa bị cháy xém hoặc sùi lên… Đây là lúc thực sự nên thay chúng bằng loại khác.
Đũa nhựa sau một thời gian dùng bề mặt mất đi độ nhẵn bóng, trở nên xù xì cũng là nơi tích tụ vi khuẩn, cần loại bỏ chúng.
5. Đũa dùng một lần
Theo nhiều chuyên gia khuyến cáo, chúng ta không nên sử dụng bất cứ loại đũa dùng một lần nào. Nếu đó là hàng nhập từ Trung Quốc thì lại càng nên cẩn trọng. Chúng thường làm bằng những nguyên liệu rẻ riền rất dễ bị mốc, xước hỏng… Để chống mốc, người ta có thể dùng các hóa chất để xử lý. Ngoài ra còn có các hóa chất tẩy trắng cho đũa,… chúng đều là những chất không tốt.
Vậy bạn nên chọn và sử dụng đũa như thế nào?
Đũa trúc và đũa gỗ không sơn, kiểu dáng đơn giản được cho là an toàn và phù hợp nhất cho mọi gia đình. Những loại đũa này không độc hại, an toàn với môi trường và ít bị biến dạng khi chế biến thức ăn.
Nên dùng đũa trong 3-6 tháng thì thay đũa mới.
Rửa đũa xong nên để nơi khô thoáng, nếu hàng ngay phơi nắng được thì càng tốt.
Vệ sinh sạch sẽ nơi để đũa.
Hàng tuần nên cho đũa vào đun sôi nửa giờ, sau đó mang phơi khô ngoài nắng hoặc sấy khô rồi hãy sử dụng tiếp.
Lưu ý: Phơi nắng và đun sôi không áp dụng cho đũa nhựa, và đũa có sơn phẩm màu, vì nhiệt độ cao sẽ làm tạo ra các hóa chất độc hại. Bạn có thể thay thế bằng cách dùng rượu hay cồn 30 đến 70 độ để khử trùng.
Tân Hạ
Xem thêm:
- Những điều cấm kỵ khi dùng lò vi sóng
- Sởn gai ốc vì quần áo mới nhiễm hóa chất độc hại, đặc biệt là hàng Trung Quốc
- Vì sao tập khí công có thể chữa khỏi bệnh?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.