Là liệu pháp kích thích nhiệt lên huyệt vị kinh lạc, ngải cứu đem lại nhiều hiệu quả lâm sàng như ôn kinh tán hàn, điều hòa khí huyết, tiêu sưng giảm đau, giải độc sinh cơ, hồi dương cố thoát… Ngoài ra, các chứng hư hàn, sợ lạnh… cũng có thể được trị bằng ngải cứu.
Ngải là cây ngải cứu hay còn gọi là cây thuốc cứu, cây Ngải Diệp, cây thuốc cao… dùng để chữa nhiều căn bệnh thường gặp như đau đầu, đau lưng… Các thầy thuốc Đông y nói về khả năng chữa bệnh của điếu ngải như sau: “Bất cứ bệnh gì nếu dùng châm cứu có thể chữa trị được thì điếu ngải cũng vậy”.
Người xưa nói: “Ngải cứu bổ trợ nguyên khí cho người bị chứng hư, phát tán tà khí cho người bị chứng thực, sưởi ấm khí cho người bị chứng hàn, giải phóng nhiệt cho người bị chứng nhiệt”. Liệu pháp này có thể được dùng riêng hoặc phối hợp với các phương pháp khác.
Liệu pháp ngải cứu là một bộ phận cấu thành nền y học cổ truyền Trung Quốc. Đây là cách chữa bệnh lâu đời và độc đáo của Trung y. Giống như các phương pháp khác, liệu pháp này vận dụng những hiểu biết về phủ tạng, kinh lạc, âm dương ngũ hành vào việc điều
trị bệnh. Bằng cách dùng ngải, vật liệu dễ cháy hay dược liệu để đốt, hun, đắp lên huyệt vị, liệu pháp này đã kích thích nhiệt hoặc hóa học lên huyệt vị kinh lạc nhằm đạt các hiệu quả lâm sàng như ôn kinh tán hàn, điều hòa khí huyết, tiêu sưng giảm đau, giải độc sinh cơ, hồi dương cố thoát, v.v… Ngoài ra, các chứng hư hàn, sợ lạnh, v.v… cũng có thể được trị bằng ngải cứu.
1. Tác dụng
Liệu pháp ngải cứu có phạm vi ứng dụng khá rộng rãi, nó có thể chữa được nhiều chứng bệnh mãn tính hay cấp tính. Trong sinh hoạt hàng ngày, ngải cứu thích hợp với những người có thể chất hư hàn. Đặc biệt, đối với chứng sợ nóng và đổ mồ hôi vào mùa hè hoặc sợ lạnh vào mùa đông, phương pháp này rất công hiệu.
- Ôn kinh tán hàn, điều hòa khí huyết: thông qua việc kích thích nhiệt lên các huyệt vị kinh lạc, liệu pháp ngải cứu thúc dẩy sự vận hành khí huyết nhằm đạt hiệu quả trị liệu. Hoàng Đế nội kinh viết: “Máu trong mạch sẽ tụ ở những nơi nhiễm hàn khí, gây nên chứng máu tụ, máu hàn, cho nên, ta cần làm nóng (cứu) những nơi ấy.” Người xưa cũng nói: “Máu gặp nhiệt sẽ lưu thông, gặp hàn sẽ ngưng tụ.” Do đó, liệu pháp ngải cứu có thể giúp ôn kinh tán hàn và điều hòa khí huyết.
- Hồi dương cố thoát: sách Thương hàn luận viết: “Các chứng tiêu chảy, tay chân lạnh, vô mạch đều có thể được điều trị bằng ngải cứu.” Biển Thước tâm thư cũng nói: “Nếu làm nóng (cứu) sớm, dương khí tự nhiên sẽ dồi dào”. Như vậy, liệu pháp ngải cứu còn có công hiệu hồi dương cố thoát.
- Tiêu sưng giảm đau, giải độc sinh cơ.
- Bảo vệ sức khoẻ, phòng bệnh: sách Châm cứu đại thành viết: “Nếu muốn bình an, phải giữ huyệt Tam lý luôn ẩm ướt”. Để được như vậy, ngải cứu huyệt Túc tam lý là phương pháp tốt nhất.
Ngày nay, điếu ngải nguyên chất và điếu ngải pha thuốc đều có bán trên thị trường, nhưng chúng không thích hợp để dùng trong phòng lạnh. Vì vậy. hàng loạt thiết bị ngải cứu cải tiến đã ra đời như ngải cứu không khói hay ngải cứu bằng tia hồng ngoại xa. Các cách ngải cứu này có thể cung cấp nhiệt lượng trong thời gian dài nên rất phù hợp sử dụng trong các gia đình hiện đại.
2. Phương pháp
Phương pháp hơ ngải điếu: Một tay cầm điếu ngải, cổ tay tỳ xuống làm điểm tựa, dùng ngón trỏ và ngón giữa của tay còn lại ấn xuống hai bên chỗ cứu để tránh bị bỏng, di chuyển điếu ngải lên xuống quanh vùng được cứu (thường là các vùng đau nhức). Tùy theo thể chất từng người mà đầu ngải có thể cách da từ 2-10cm sao cho bệnh nhân cảm thấy hơi nóng là được. Nếu đầu ngải đã đặt cách da trên 5cm mà bệnh nhân vẫn cảm thấy ấm, nghĩa là việc điều trị đã đem lại hiệu quả.
Ngải cứu cách muối: Là cách dùng muối trải lên bộ vị cần được ngải cứu để làm vật ngăn cách với đầu ngải như đổ muối vào rốn để ngải cứu. Cách này giúp hồi phục dương khí, bồi bổ khí huyết, ngoài ra còn chữa được chứng sợ nóng và đổ nhiều mổ hôi vào mùa hè.
Ngải cứu dạng hộp: Là cách ngải cứu bằng hộp đặc chế có chứa những hạt ngải không khói. Đầu tiên, đặt hộp ngải ở nơi cần cứu, rồi đốt cháy hạt ngải, để khoảng 15-30 phút trên mỗi huyệt. Cách này khá an toàn và tiện lợi, lại trị được các chứng bệnh thông thường nên rất hiệu quả cho việc chăm sóc sức khoẻ hàng ngày.
3. Những vấn đề cần lưu ý
Trình tự cứu: Thông thường, ta nên cứu phần trên trước, phần dưới sau: phần lưng trước, phần bụng sau; phần đầu trước, tay chân sau; dương kinh trước, âm kinh sau.
- Khi ngải cứu lần đầu tiên, ta không nên hơ quá gần da, bởi những người có thể chất hư hàn, do không nhạy cảm với cái nóng nên dễ bị bỏng. Trong trường hợp chỗ cứu bị bỏng hay sưng tấy, ta nên thoa cồn nhiều lần để phát tán luồng nhiệt.
- Sau khi cứu, cảm giác nóng và vết đỏ trên da sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng nếu da bị nổi mụn nước thì ta phải dùng đầu kim sạch chích vào chúng để kịp thời loại bỏ chất dịch.
- Trong quá trình ngải cứu, cần đề phòng đầu ngải làm cháy quần áo, chăn màn… Khi cứu xong, nhớ phải dập tắt đầu ngải đểmtránh gây hoả hoạn.
- Những huyệt vị không được hoặc phải thận trọng khi ngải cứu là Tình minh, Ty trúc không, Đồng tử liêu, Nhân nghênh, Kinh cừ, Khúc trạch, Ủy trung, v.v…
Minh Hoàng