Đại Kỷ Nguyên

Ngày tận thế của kháng sinh cũng là ngày kết thúc của y học hiện đại?

Theo bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì hiện tượng kháng kháng sinh hiện đang là cơn khủng hoảng toàn cầu. Mới đây bà cho biết vấn đề này “đang đạt đến mức độ rất nguy hiểm” ở mọi nơi trên khắp thế giới, và có thể dẫn tới sự kết thúc của y học hiện đại.

Nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc đã xuất hiện và làm hàng ngàn người thiệt mạng mỗi năm. Các nhà khoa học từ nhiều năm trước đã cảnh báo về thực trạng này, nhưng đến nay ngày tận thế của kháng sinh dường như đang gần hơn bao giờ hết.

Gần đây các nhà khoa học tại Trung Quốc đã phát hiện vi khuẩn E. coli đã kháng kháng sinh colistin, loại kháng sinh thường được coi là lựa chọn – hay tuyến phòng thủ cuối cùng. Nguy hiểm hơn, một điềm báo của kỷ nguyên hậu kháng sinh khiến các nhà khoa học lo ngại là vòng ADN vốn giúp vi khuẩn E. coli kháng lại colistin có thể truyền qua được những chủng vi khuẩn nguy hiểm khác, từ đó có khả năng tạo ra một đại dịch nhiễm trùng kháng mọi loại kháng sinh đã biết trên phạm vi toàn cầu do khả năng truyền sức đề kháng giữa vi khuẩn rất cao.

Vòng ADN, hay MCR-1 được phát hiện ở một cấu trúc của ADN là plasmid. Các plasmid chứa “những phần phụ” của vi khuẩn: là các gen không thiết yếu đối với sự sống còn nhưng có thể đem lại lợi ích cho vi khuẩn. Như trong trường hợp này, đó là sống sót trong môi trường có sự hiện diện của colistin. Một số plasmid có thể nhân lên và truyền sang vi khuẩn khác.

Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc tin rằng vi khuẩn đề kháng E. coli – được phát hiện đầu tiên ở lợn và các sản phẩm thịt – đã biến đổi để kháng được colistin là kết quả từ việc lạm dụng nhiều kháng sinh trên gia súc. (Ảnh: internet)

Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc tin rằng vi khuẩn đề kháng E. coli – được phát hiện đầu tiên ở lợn và các sản phẩm thịt – đã biến đổi để kháng được colistin là kết quả từ việc lạm dụng nhiều kháng sinh trên gia súc.

Vi khuẩn đã biến đổi

Colistin phần lớn được sử dụng để chữa những ca nhiễm khuẩn đề kháng kháng sinh do có khả năng làm cho màng tế bào vi khuẩn trở nên dễ dàng hơn cho các kháng sinh đi qua. Bản thân colistin có thể diệt khuẩn, nhưng nó thường được dùng phối hợp với các kháng sinh khác.

Khi vi khuẩn, như E.coli, được tiếp xúc thường xuyên với colistin, những con không có phòng thủ sẽ chết. Những con kháng được kháng sinh, nhờ đột biến ADN tự nhiên trong quá trình nhân đôi, sẽ sống sót và truyền những đột biến có lợi này cho thế hệ sau. Và cuối cùng thì toàn bộ quần thể sinh vật này đề kháng kháng sinh.

Vi khuẩn trở nên đề kháng với colistin theo nhiều con đường khác nhau. Colistin có thể không còn gắn được lên vi khuẩn, hay màng tế bào có thể kháng cự mạnh hơn hoặc kháng sinh có thể bị vi khuẩn “bơm” trở ra ngoài tế bào.

Vi khuẩn…không biên giới

Đối với vi khuẩn, việc mang các plasmid là khá “đắt đỏ” vì chúng sử dụng nhiều năng lượng, do vậy phải có một lực lượng tiêu diệt sạch những vi khuẩn không mang plasmid này để quần thể có thể truyền khả năng đề kháng cho thế hệ sau. Nghiên cứu mới cho thấy sử dụng kháng sinh cho các gia súc ở trang trại nơi mà phân lập (tìm thấy) vi khuẩn là nguyên nhân có thể, vì vi khuẩn được tiếp xúc liên tục với colistin, và chỉ vi khuẩn nào mang plasmid mới sống sót. Đây không phải là lần đầu tiên sử dụng kháng sinh ở gia súc trong trang trại khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng kháng thuốc ở người.

Ở châu Âu, colistin hiếm khi được sử dụng cho gia súc trang trại. Đối với vi khuẩn thì không có khái niệm ranh giới quốc gia, do đó cùng với sự phát triển của giao thông, đường thủy đường không… việc các chủng kháng thuốc có mặt ở đâu đó cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Điều này như một lời nhắc nhở rằng khi nói đến vấn đề kháng thuốc, chúng ta không chỉ nói về việc kê kháng sinh nào tại một địa khu nhất định, mà là nói về sử dụng kháng sinh trên toàn cầu. Nhiễm trùng kháng thuốc là vấn đề toàn cầu, và những biện pháp cũng nên phải ở mức độ tương xứng.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đại Hải biên dịch và biên tập

Xem thêm:

Exit mobile version