Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Ví dụ, chế độ ăn uống không hợp lý có thể được cải thiện bằng cách thay đổi thói quen của bạn. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, đôi khi chúng ta cũng không thể đối kháng lại mệnh trời.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh sau đây của sức khỏe:
1. Bệnh tim
Nóng lên toàn cầu mang lại sự gia tăng sóng nhiệt, khói ô nhiễm, các thành phần chính bao gồm ozone và các loại khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm cao có liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện thường xuyên các vấn đề tim mạch.
Một nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ cao và ozone có thể phối hợp với nhau để làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tim mạch. Kết quả chỉ ra, nhiệt độ cao vào mùa hè có liên quan đến sự thay đổi giảm nhịp tim hay nói cách khác sự đều đặn (có tính quy luật) của nhịp tim là thước đo tiêu chuẩn tình hình chức năng tim. Biến đổi nhịp tim giảm có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sau cơn đau tim.
Nhiệt độ và ozone có thể gây hại cho tim vì chúng ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống thần kinh tự động. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hệ thống thần kinh tự động là một phần của hệ thống thần kinh trung ương và giúp cơ thể thích nghi với môi trường. Nó điều chỉnh các chức năng của cơ thể, bao gồm hoạt động điện của tim và làm không khí lưu thông vào phổi. Các nhà nghiên cứu cho biết nhiệt độ tăng cao cũng có thể khiến cơ thể nhạy cảm với các độc tố như ozone.
2. Tăng dị ứng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ dị ứng ở người đang gia tăng ở một số quốc gia, một phần là do nồng độ carbon dioxide và nhiệt độ tăng cao.
Nghiên cứu gần đây ở Ý cho thấy, thực vật đang ra hoa sớm hơn và tổng sản lượng phấn hoa đang tăng lên. Hơn nữa, không chỉ mức độ phấn hoa tăng lên, mà độ nhạy cảm của con người đối với phấn hoa cũng tăng lên. Mặc dù di truyền đóng một vai trò quan trọng trong dị ứng, nhưng mùa phấn hoa dài hơn và dữ dội hơn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng.
3. Nguy hại từ sự kiện cực đoan
Nóng lên toàn cầu có thể dẫn đến sự gia tăng các sự kiện cực đoan, bao gồm sóng nhiệt, lũ lụt và bão lớn, dẫn đến cái chết trên diện rộng cho nhân loại. Nắng nóng và hạn hán là hai thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất. Từ năm 1980 trở lại đây, một nghiên cứu về thảm họa khí tượng ở Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng hai kẻ giết người lớn nhất chính là sóng nhiệt và hạn hán.
Sóng nhiệt có thể trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, sóng nhiệt ở châu Âu gần gấp đôi so với 100 năm trước. Trong khu vực, một đợt nắng nóng lớn xảy ra vào năm 2003, khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng. Gần đây, các nhà nghiên cứu lại cảnh báo rằng, một đợt nắng nóng lớn như vậy có thể tăng gấp 5 – 10 lần trong khu vực.
4. Nguy cơ sa mạc hóa
Việc sử dụng đất không đúng cách cộng với biến đổi khí hậu có thể dẫn đến tăng sa mạc hóa toàn cầu hoặc suy thoái đất ở những vùng khô cằn. Nghiên cứu năm 2010 cho thấy, 38% diện tích trái đất được tạo thành từ những khu vực khô cằn có nguy cơ sa mạc hóa. Một khi xuống cấp, trái đất sẽ trở thành một vùng đất cằn cỗi. Điều này có thể khiến chúng ta không có đủ đất để sản xuất nông nghiệp và để nuôi sống dân số ngày càng tăng trên hành tinh.
Sa mạc hóa toàn cầu cũng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đại dương. Một nghiên cứu của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Hoa Kỳ cho thấy bụi sa mạc đã thúc đẩy sự phát triển của Vibrio, một loại vi khuẩn biển gây viêm dạ dày ruột và các bệnh truyền nhiễm.
Trong hỗn hợp bụi sa mạc và nước biển, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng số lượng Vibrio tăng 101.000 lần, bao gồm cả một chủng gây nhiễm trùng ở mắt, tai và vết thương hở, cũng như một chủng khác có thể gây bệnh tả. Sự gia tăng của loại vi khuẩn này có nghĩa là nhiều người có thể bị bệnh do tiếp xúc với hải sản bị ô nhiễm.
5. Tăng lưu truyền dịch bệnh
Sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa ở một số khu vực nhất định của biến đổi khí hậu có thể tạo điều kiện cho bệnh tật lây lan.
Một số bệnh cần có vật trung gian truyền bệnh và một số sinh vật chủ, chẳng hạn như côn trùng, mang theo và lây lan các tác nhân gây bệnh, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết và nhiệt độ cao. Bởi vì những vectơ này là động vật máu lạnh, chúng dựa vào môi trường xung quanh để kiểm soát nhiệt độ của cơ thể. Do đó, nhiệt độ cao có thể có lợi cho sự sống sót của côn trùng và có thể lây lan một số bệnh, như sốt rét, sang các khu vực mới.
Lượng mưa cũng được cho là có lợi cho sự sống sót của côn trùng và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng mưa làm tăng tỷ lệ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là với các bệnh truyền qua nước.
Nếu không muốn làm trái “mệnh trời” thì mọi người cần cùng chung tay hành động, chú trọng đến cuộc sống ít carbon và tránh lãng phí không cần thiết. Cần phải sống hoà hợp với thiên nhiên, đừng tàn phá, huỷ hoại chúng. Đừng cố gắng cải tạo ‘mẹ thiên nhiên’ theo ý con người. Để đạt được điều này, mỗi người cần phải cùng gánh vác đảm đương trách nhiệm nặng nề và lâu dài.
Theo baijiahao.baidu.com
Liên Hoa biên dịch