Kiểu ăn thiếu điều độ, bỏ bữa lại vô tình kích hoạt một cơ chế kỳ diệu trong cơ thể, giúp đẩy lùi béo phì và hàng loạt bệnh nan y liên quan. Điều này minh chứng bản chất sinh tồn của con người vô cùng tiềm tàng nhưng cần thận trọng khi áp dụng.
Báo Người lao động đưa tin, trong bài công bố trên tạp chí khoa học Journal of Endocrinology, tiến sĩ Yuji Tajiri và các cộng sự từ Trường Y khoa thuộc Đại học Kurume cho biết, kiểu ăn tưởng chừng thiếu lành mạnh là nhịn ăn gián đoạn, ví dụ như bỏ qua 1 trong các bữa ăn sáng, trưa, tối hàng ngày có thể giúp kích thích một hormone kỳ diệu mang tên Ghrelin.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy, những con chuột bị áp dụng kiểu ăn thiếu điều độ, bỏ bữa đã vui thích với việc chạy trên chiếc lồng bánh xe của chúng hơn. Đó chính là nhờ hormone Ghrelin, vốn tăng cao sau một thời gian dài không có thức ăn vào cơ thể.
Tác dụng tương tự xảy ra ở các tình nguyện viên trong thử nghiệm lâm sàng trên người. Mọi người hăng say tập thể dục hơn hẳn sau khi được cung cấp một liều hormone Ghrelin, tốc độ chạy tự nhiên của họ cũng tăng lên bất ngờ.
Ghrelin được gọi nôm na là “hormone đói bụng”. Nghiên cứu mới đã phát hiện ngoài việc làm bạn đói, nó còn tăng động lực tập thể dục. Nhờ vậy, kiểu ăn bỏ bữa – tất nhiên là đừng ăn vặt trong thời gian nhịn này – sẽ giúp bạn tập luyện cực kỳ hiệu quả và giảm cân nhanh chóng hơn người khác.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là một gợi ý rất ý nghĩa giữa cuộc khủng hoảng béo phì đang gia tăng toàn cầu, kéo theo hàng loạt căn bệnh nan y, nhất là nhóm tim mạch, tiểu đường và ung thư. Kết quả trên cũng hết sức bất ngờ bởi quan niệm phổ biến cho rằng càng ăn nhiều bữa, chia đều trong ngày thì càng giảm béo hiệu quả.
Tuy nhiên để áp dụng phương pháp này cần tùy đối tượng và có kế hoạch chi tiết bởi nếu nhịn đói quá mức cũng sẽ nguy hại. Khi nguồn năng lượng cạn kiệt, các chất dinh dưỡng thiếu hụt ảnh hưởng không tốt tới hàng loạt chức phận bên trong cơ thể, đặc biệt là não.
Trọng lượng của não chỉ chiếm một phần 40 trọng lượng cơ thể nhưng lại tiêu hao một phần tư lượng ôxy và một phần 5 lượng máu cung cấp dưỡng chất cho toàn thân. Não là bộ phận tiêu thụ lớn nhất nguồn năng lượng của cơ thể. Nếu tế bào não bị đói sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống thần kinh trung ương là nơi điều hành mọi hoạt động chức năng của cơ thể.
Lượng đường huyết trong máu giảm thấp dưới 80 mg/dl thì cơ thể đã có biểu hiện mệt mỏi, bủn rủn chân tay đầu óc kém minh mẫn, hạ huyết áp, tim loạn nhịp, toàn thân vã mồ hôi. Nếu đường huyết giảm nhiều hơn sẽ dẫn đến hôn mê, nguy kịch.