Thay vì phải lệ thuộc vào thuốc và các mũi tiêm hàng ngày, bệnh nhân tiểu đường đang có cơ hội đảo ngược triệu chứng bệnh chỉ nhờ chế độ ăn đặc biệt tương tự ăn kiêng.
Ít nhất, hiệu quả của chế độ ăn đã được chứng minh bằng thí nghiệm trên chuột. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cell nói rằng chế độ ăn đã “khởi động lại” cơ thể của chuột.
Các chuyên gia cho biết phát hiện này “có tiềm năng rất thú vị”, có thể đưa bản thân dinh dưỡng trở thành một liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân tiểu đường. Mặc dù vậy, chuyên gia không khuyến khích mọi người thử ngay chế độ ăn ăn tại nhà mà không có hướng dẫn và giám sát y tế.
Chế độ ăn “ăn mày – hoàng đế”
Trong thí nghiệm, chuột được cho ăn theo chế độ giả ăn kiêng tương tự như của người. Chế độ ăn này bao gồm 5 ngày trong tháng theo chế độ ăn ít đạm, ít tinh bột, ít calo nhưng giàu chất béo chưa bão hòa. Có thể hình dung, bạn chỉ ăn các loại hạt và súp trong suốt 5 ngày trời với lượng calo khoảng 800-1100 một ngày.
Sau đó 25 ngày còn lại bạn sẽ được ăn bất cứ thứ gì. Có thể tóm tắt chế độ ăn trong nghiên cứu là 5 ngày làm “ăn mày”, 25 ngày làm “hoàng đế”. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy chế độ ăn trên giúp làm chậm tốc độ lão hóa.
Đảo ngược triệu chứng bệnh
Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chế độ ăn giúp tái sinh lại một nhóm tế bào đặc biệt trong tụy có tác dụng giải phóng insulin, giúp cơ thể hạ đường huyết.
Sự rối loạn tiết insulin hay rối loạn đáp ứng với insulin đều có thể gây bệnh đái tháo đường. Giáo sư Valter Longo đến từ Đại học Southern California là một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong nghiên cứu chế độ giả nhịn ăn. Ông cho rằng về mặt y học, đây là phát hiện rất quan trọng vì đã chứng minh rằng chế độ ăn đơn thuần cũng giúp đảo ngược triệu chứng bệnh tiểu đường.
“Về mặt khoa học, phát hiện có lẽ còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi chúng tôi đã chỉ ra rằng chế độ ăn có thể tái lập trình các tế bào, mà không cần đến bất kể một can thiệp gen nào cả” GS Longo cho hay.
Nói về cách thức hoạt động của chế độ ăn, giáo sư Longo cho rằng “Bằng cách đẩy lũ chuột vào trạng thái cực đoan, rồi sau đó đưa chúng trở lại – [thông qua] bỏ đói sau đó cho ăn trở lại – các tế bào trong tuyến tụy đã kích hoạt một số cơ chế tái lập trình và phát triển, xây dựng và sửa chữa lại các phần của cơ quan [tuyến tụy] trước đó đã không còn hoạt động”.
Tuy nhiên ông cho biết mọi người có thể gặp rắc rối về mặt sức khỏe nếu tuân theo mà không có các hướng dẫn y tế. Ông nói trong một phỏng vấn với BBC: “Đơn giản là không nên thử [chế độ ăn] ngay tại nhà, điều này phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ”. Giáo sư Longo cảnh báo, một số người có thể “gặp rắc rối” với sức khỏe của mình, nếu cố gắng thử áp dụng chế độ ăn này tại nhà mà không có hướng dẫn và theo dõi y tế.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Emily Burns của tổ chức từ thiện Tiểu đường Anh (Diabetes UK) cho biết: “Điều này khả năng là một tin vui, nhưng chúng ta cần phải biết chắc kết quả có xảy ra đúng như vậy trên con người hay không”.
Nếu kết quả không thay đổi, “những người bệnh tiểu đường cả type 1 và type 2 sẽ được hưởng lợi lớn từ phương pháp điều trị có khả năng sửa chữa, hoặc tái tạo các tế bào sản sinh insulin trong tuyến tụy”, Tiến sĩ Burns kết luận.
Như vậy trái ngược với quan điểm trước đây coi tiểu đường là một căn bệnh mãn tĩnh không thể chữa khỏi dứt điểm, nghiên cứu về chế độ ăn mới đã mở ra cánh cửa đầy hy vọng giúp bệnh nhân tiểu đường có thể không cần phải lệ thuốc vào thuốc uống hàng ngày và tránh được nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc.
Đại Hải
Tham khảo:
https://www.cell.com/action/showPdf?pii=S0092-8674%2817%2930130-7
http://genk.vn/che-do-an-co-the-tai-sinh-te-bao-tuyen-tuy-giup-dao-nguoc-tinh-trang-benh-tieu-duong-thu-nghiem-thanh-cong-tren-chuot-20170227184703221.chn
https://www.bbc.com/news/health-39070183