Trước khi bạn cắn thêm một miếng vào chiếc bánh mì ngon lành có thịt, phô mai hoặc bánh mì kẹp dành cho người ăn chay, có lẽ bạn muốn biết rằng nó có chứa một số thành phần không được ngon miệng cho lắm.
Clear Labs, một công ty Mỹ gồm có dự định “lập các chỉ số đánh giá nguồn cung thực phẩm của thế giới và thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho tính toàn vẹn của thực phẩm”, đã phát hiện một số các hạt nhỏ đáng chú ý trong bánh mì kẹp thịt của chúng ta.
Trong số 258 mẫu bánh mì kẹp thịt được xét nghiệm – từ 79 nhãn hiệu và 22 nhà bán lẻ – có ba mẫu bánh mì kẹp thịt có chứa ADN của chuột, hai sản phẩm chay thì có thịt, và một được phát hiện có ADN của người.
“Tóc, da, hoặc móng tay vô tình trộn lẫn trong quá trình sản xuất” rất có thể là nguyên nhân gây ra việc phát hiện được ADN của người trong bánh mì kẹp thịt.
Nghiên cứu, được công bố vào tháng 5/ 2016, lưu ý: “Trong khi điều này là không mấy dễ chịu, thì sự có mặt của ADN của người hoặc chuột lại không có khả năng gây hại cho sức khỏe của con người.”
Điều may mắn là hầu hết lượng ADN nằm trong ngưỡng cho phép. Báo cáo của Clear Labs cho biết: “Điều mà nhiều người tiêu dùng không biết được đó là một số lượng ADN của người và chuột có thể nằm trong phạm vi quy định chấp nhận được. Theo chúng tôi biết, số lượng ADN mà chúng tôi phát hiện trong nghiên cứu của mình hầu như nằm trong phạm vi quy định chấp nhận được“.
Điều này rất quan trọng vì trong thời gian qua, những người ăn chay đã khá lo lắng khi có thông tin rằng đã phát hiện thấy có thịt trong đồ chay. Tất nhiên, đây là bánh mì chay chứ không phải những ‘đồ chay giả mặn’ như người ta vẫn đề cập đến, nhưng cũng là tin tốt.
Trong đợt nghiên cứu, Clear Labs cũng đã phát hiện một số thông tin không chính xác “đáng lo ngại” về giá trị dinh dưỡng công bố. Có đến 46 phần trăm các mẫu xét nghiệm chứa nhiều calo hơn con số được báo cáo.
Các thực đơn thức ăn nhanh là đặc biệt không chính xác: 38 trong số 47 mẫu thức ăn nhanh được xét nghiệm có nhiều calo hơn so với con số ghi trên thực đơn.
Riêng đối với các sản phẩm chay thì điều lo ngại nhất là tính không ổn định của chúng. Trong số 89 sản phẩm chay được lấy mẫu, 23,6% là có vấn đề. Con số này cao hơn 10% so với mức 13,6% là tỉ lệ sản phẩm có vấn đề trên tổng số toàn bộ 258 mẫu xét nghiệm.
Clear Labs cũng phát hiện rằng 4,3% số sản phẩm được xét nghiệm, khoảng 11 mẫu bánh mì kẹp thịt trong số 258 mẫu, có chứa ADN gây bệnh. Loại mầm bệnh phổ biến nhất là Yersinia pseudotuberculosis, một loại vi khuẩn Gram âm có thể gây bệnh sốt phát ban đỏ Viễn Đông trên người.
Trong bối cảnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe dinh dưỡng khá phức tạp như hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng cần thận trọng trước những lời quảng cáo ngọt ngào tràn ngập trên truyền thông. Chúng khiến người ta dễ bị sa lầy vào những loại đồ ăn tuy hấp dẫn về vị giác nhưng không thực sự có lợi cho sức khỏe.
*Ghi chú: Clear Labs là công ty được bắt đầu vào năm 2014, có những nhà khoa học giỏi chuyên nghiên cứu về gien và xử lý dữ liệu tại Mỹ.
Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Minh Tuệ biên dịch
Xem thêm: