Nếu thường xuyên phải ngồi một chỗ thì có thể nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe của bạn đã tăng lên đáng kể đấy.
Ngồi nhiều quá có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch và tiểu đường tuýp 2. Đây là kết quả được nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Toronto (Canada) đưa ra sau khi phân tích dữ liệu từ 47 nghiên cứu khác nhau.
Các tác giả không đưa ra định nghĩa chính xác ngồi bao lâu là “nhiều quá” nhưng cho rằng nếu thời gian ngồi trên 8 giờ/ngày thì sẽ ảnh hưởng rất không tốt lên sức khỏe. Nguy cơ chết vì tim mạch hoặc ung thư có thể tăng lên đến gần 20%, còn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể tăng lên đến 91%.
Theo các tác giả, những người tham gia nghiên cứu có thời gian tập thể dục thì các rủi ro trên có thể ít hơn, chỉ còn lại mức 1/3 so với những người không tập luyện, nhưng nguy cơ vẫn còn khá cao. Điều đó cho thấy việc vận động có ảnh hưởng thật đáng kể lên sức khỏe của chúng ta.
Với cuộc sống hiện đại thì dường như ngồi chiếm nhiều thời gian nhất trong các trạng thái, có thể lên đến một nửa thời gian trong ngày của mỗi người. Ngồi làm việc, ngồi trên xe, ngồi xem TV, ngồi ăn… Ấy là chưa kể đến ai nghiện chít chát, game online, ngồi tán chuyện… thì thời gian ngồi sẽ còn tăng lên nữa.
Từ góc nhìn của các tác giả nghiên cứu này thì công việc nhân viên văn phòng sẽ không mấy lý tưởng. Điều này cũng trùng hợp với quan điểm của nhiều chuyên gia y tế. Công việc văn phòng diễn ra trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên, máy lạnh chạy hết công suất, tiếp xúc với sóng wifi, thường xuyên sử dụng điện thoại và máy tính, ít vận động và đặc biệt là ngồi nhiều có thể gây ra “hội chứng bệnh văn phòng”.
Ít vận động dẫn đến chuyển hóa kém
Bấy lâu nay, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến khích mọi người kết hợp giữa dinh dưỡng và tăng cường vận động để có được thân thể khỏe mạnh. Nếu các cơ bắp không được hoạt động thường xuyên, chúng sẽ kìm hãm quá trình chuyển hóa trong cơ thể, các calo dư thừa không bị đốt cháy, từ đó sinh ra các mô mỡ, thừa cân. Các bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch có nguyên nhân chủ yếu là do quá trình chuyển hóa bị rối loạn quá mức cơ thể có thể tự điều chỉnh.
Vận động hợp lý sẽ tăng cường tuần hoàn máu, kích thích trao đổi chất, giúp bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể, sản sinh tế bào mới để thay thế các tế bào già yếu, tế bào chết. Vận động còn tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, tăng cường độ chắc khỏe cho các cơ xương.
Ngồi bao lâu thì không có hại?
Như vậy thời gian ngồi tối đa nên là bao nhiêu để không gây hại đến sức khỏe? Câu hỏi này không dễ trả lời vì còn có thêm nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, ví dụ như thói quen ăn uống, thời gian tập thể dục. Tuy nhiên, các tác giả khuyến cáo rằng tổng thời gian ngồi không nên quá 6 tiếng mỗi ngày. Như vậy nếu bạn trừ đi thời gian ngồi xem TV, trên xe,… thì sẽ không còn lại mấy thời gian để ngồi làm việc.
Tư thế ngồi cũng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến các vấn đề xương khớp của cơ thể. Ngay từ nhỏ, chúng ta được rèn cho cách ngồi thật thẳng, nhưng nếu giữ cách ngồi này lâu quá thì sẽ không tốt cho xương sống. Ngồi 135o, nghiêng ra phía sau một chút giống được xem là tư thế tạo cảm giác thoải mái cho cơ thể, nhưng đây lại không phải là tư thế ngồi làm việc ở công sở.
Để hạn chế ảnh hưởng của việc ngồi nhiều, bạn hãy thay đổi một chút thói quen của mình. Thay vì ngồi liền một mạch suốt buổi làm việc, cứ sau 30-45 phút, hãy dứng dậy hoạt động đôi chút, thực hiện một số động tác để hỗ trợ máu lưu thông. Hoặc tranh thủ đứng trong lúc gọi điện thoại.
Các chuyên gia cũng khuyên không nên sử dụng các loại ghế có con lăn để di chuyển qua lại trong văn phòng, mà hãy đứng dậy để di chuyển. Nên sử dụng loại ghế phù hợp với chiều cao của bạn, hoặc loại ghế có thể thay đổi được chiều cao, để điều chỉnh phù hợp với bàn làm việc.
Duy nhất một loại ngồi tốt cho sức khỏe: Ngồi thiền
Khi đọc thông tin nghiên cứu trên, hẳn sẽ có bạn sẽ hỏi: ngồi thiền có tính không? Nghiên cứu hiện đại ngày nay cho thấy, nếu bạn thực hành thiền chánh niệm đúng cách thì lại có tác động rất tốt đến sức khỏe. Các chuyên gia phân tích ảnh chụp não của những người thực hành thiền, thấy rằng thiền định có khả năng giúp não bộ sửa chữa những thương tổn nhanh hơn.
Khảo sát trên những người luyện khí công trong đó có phần tĩnh công thiền định cũng khẳng định nếu thực hành luyện tập tốt, nhiều chứng bệnh nan y của họ đã được chữa lành. Đối với những người này, thiền định là trạng thái nghỉ ngơi tuyệt vời nhất, vượt xa với ngủ.
Tài liệu tham khảo:
Aviroop Biswas et al. Sedentary Time and Its Association With Risk for Disease Incidence, Mortality, and Hospitalization in Adults: A Systematic Review and Meta-analysis. Ann Intern Med. 2015;162(2):123-132.
Xem thêm:
- Khoa học thần kinh hé lộ lợi ích tuyệt vời của thiền định
- Não hoạt động ra sao khi ta thực hành chánh niệm?
- Thiền định có thể giúp con người cải thiện trí nhớ trong 8 tuần
- Thiền định có giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi?
- Thiền định – Tinh hoa văn hóa Nhật Bản
- Thiền định cải thiện chất xám chỉ sau 8 tuần luyện tập
- Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe nhưng sao lại bị đàn áp ở Trung Quốc?