So biển là một trong những loài có độc tố tự nhiên và dễ nhầm với Sam biển. Do đó khi ăn nhầm dễ dẫn đến ngộ độc, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

Sáng ngày 22/12, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh tiếp nhận 4 ngư dân sống tại thôn 10, xã Sông Khoai, Quảng Yên vào viện trong tình trạng cấp cứu ngộ độc thực phẩm do ăn So biển.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 7 giờ sáng cùng ngày được 1 người bạn cho 4 con So biển nên đã chế biến và mời 3 người bạn đến ăn. Sau khi ăn thì cả 4 người đều có các biểu hiện lạ trong người. Miệng và chân tay đều có hiện tượng tê, đầu bị choáng, riêng 2 trong số 4 người do ăn nhiều nên có biểu hiện khó thở. Người nhà vội đưa cả 4 đến bệnh viện Đa khoa thị xã Quảng Yên và được chuyển tới bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.

Nhập viện trong tình trạng 2 người có biểu hiện tê miệng và tay chân, 2 người trong tình trạng hôn mê không tiếp xúc, mạch, huyết áp không ổn định, có nôn mửa, khó thở, suy hô hấp và liệt toàn thân sau khi tiến hành thăm khám dựa trên các biểu hiện của người bệnh, các bác sĩ chẩn đoán 4 người đều bị ngộ độc So biển.

Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh do ăn nhầm phải So biển. (Ảnh: giadinhvietnam.com)

Thông thường người dân dễ bị nhầm So biển và Sam biển vì có hình hài rất giống nhau. Nhưng So biển có chứa độc tố tetrodotoxin.

Độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc) là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp, tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại).

Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Tetrodotoxin cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 đến 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100 độC) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; chỉ phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút.

Hiện nay chưa có thuốc giải độc, vì vậy khuyến cáo người dùng cần phân biệt rõ 2 loại này.

Sam biển (sam lớn) sống ở các vùng ven biển. Môi trường sinh sống chủ yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Đuôi Sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác, Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp Sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp Sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, Sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, Sam con và Sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán tại và sử dụng làm thực phẩm. Sam biển không gây ngộ độc.

So biển (Sam nhỏ) nó cũng sống ở ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống Sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn Sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của So biển thường khoảng 20-25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong So biển có độc tố tetrodotoxin.

Phân biệt về khu vực phân bố và cách thức di chuyển. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Phân biệt về kích thước và cân nặng. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Phân biệt về hình dạng đuôi. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Cách xử lý khi ăn nhầm So biển

Sau khi ăn So biển từ 30 phút đến 60 phút, người bệnh sẽ có cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ…

Lúc đó, cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, tìm mọi cách gây nôn hết thức ăn có trong dạ dày càng nhanh càng tốt; nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện). Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, thức ăn bị nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.

Chú ý:

Chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh và không gây nôn cho trẻ em, vì dễ bị sặc. Sau khi gây nôn nên uống một tuýp than hoạt tính có tác dụng khử độc, uống Oresol bù điện giải.

Chi Mai