Nam bệnh nhân T.Q.H (53 tuổi, Na Hang, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng tổn thương mu chân phải lan rộng, sưng nề đỏ, có dịch mủ màu vàng, hoại tử…
Theo Gia Đình Mới, trước đó 4 ngày, bệnh nhân H. đang hái rau tại vườn nhà bất ngờ thấy đau chói chân phải. Khi nhìn vết thương có dấu răng cắn vào mu bàn chân, nên bệnh nhân H. nghĩ mình bị rắn cắn.
Thay vì đến bệnh viện, bệnh nhân ở nhà đắp lá và uống thuốc nam. Vài ngày sau, vết thương không đỡ mà ngày càng sưng đỏ, mưng mủ, đi lại khó khăn.
Tại bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), bệnh nhân H. được chẩn đoán bị nhiễm trùng vết thương bàn chân phải.
Trước đó, bé Măng Thị S. (13 tuổi, Ninh Thuận) bị rắn cắn nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện mà nhờ thầy lang trong vùng đắp thuốc. Sau 3 ngày đắp thuốc, bàn chân của bé S. có dấu hiệu mưng mủ, lở loét và lòi xương ra ngoài, theo Thanh Niên.
Bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp bị rắn cắn, cần giúp nạn nhân nằm yên, trấn an họ. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà bông hoặc dung dịch thuốc sát khuẩn da. Phủ lên vết cắn bằng gạc sạch, nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân cần tránh rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc. Không đắp thuốc bằng lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Phương Nam