Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Tp.HCM, đã kết luận bệnh nhân L.N.T (30 tuổi, Tp.HCM) bị sốc phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn.

Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 14/5, bà Nguyễn Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM, công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp sở nhằm làm rõ sự việc nữ bệnh nhân L.N.T. tử vong khi điều trị dị ứng tại bệnh viện An Sinh.

Nữ bệnh nhân T. tử vong do tổn thương đa cơ quan (tim, gan, phổi) xuất phát từ sốc phản vệ độ IV. Bệnh viện An Sinh chẩn đoán bệnh nhân dị ứng thức ăn (phản vệ độ 1) là phù hợp, xử trí đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.

Người phụ nữ ở Tp.HCM chết sau 3 mũi tiêm dị ứng: Nguyên nhân do thức ăn
Theo giấy ra viện, chị T. tử vong do sốc phản vệ, bị ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp… (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sở Y tế Tp.HCM xác định, bệnh viện An Sinh có sai sót trong quá trình điều trị. Phương pháp xử lý sốc phản vệ (tiêm Adrenalin) là đúng, song cần rút kinh nghiệm tiêm bắp Adrenalin thay vì tiêm dưới da, theo Zing.

2 thuốc Chlopheniramin, Seduxen mà bệnh viện An Sinh đã sử dụng là đúng liều lượng.

Đối với bệnh viện Nhân dân 115, khi tiếp nhận bệnh nhân T. chuyển qua (lúc tái sốc phản vệ) ê-kíp đã điều trị phù hợp với phác đồ.

Người phụ nữ ở Tp.HCM chết sau 3 mũi tiêm dị ứng: Nguyên nhân do thức ăn
Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Tp.HCM cho thấy, hai biệt dược gồm chlorphenamine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) trong máu và nước tiểu nạn nhân. (Ảnh: Zing)

Hội đồng chuyên môn cũng yêu cầu bệnh viện An Sinh rút kinh nghiệm một số vấn đề:

– Nên hội chẩn liên viện sớm hơn sau khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn.

– Tiếp tục cho bệnh nhân thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy nhưng tình trạng còn nặng.

– Chụp X- Quang phổi tại giường kèm siêu âm tim nhằm đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để xử lý nguyên nhân phù phổi…

Người phụ nữ ở Tp.HCM chết sau 3 mũi tiêm dị ứng: Nguyên nhân do thức ăn
Người thân trong gia đình vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của chị T. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Chiều ngày 18/4, chị L.N.T vào bệnh viện điều trị trong tình trạng tỉnh táo, kèm theo ngứa, đỏ da, nổi mề đay sau khi ăn tôm, cua, thịt bò.

3 ngày trước đó, bệnh nhân T. bị nổi dị ứng và tự mua thuốc uống tại nhà. Bệnh nhân T. có tiền sử dị ứng, chẩn đoán sơ bộ ban đầu của bệnh viện là bị dị ứng thức ăn. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân T. đã ổn định huyết áp và hô hấp.

Khoảng 9h, ngày 19/4, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng mệt, khó thở, môi tím, huyết áp giảm, nồng độ oxy trong máu giảm, tiên lượng bệnh rất nặng, chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 (mức cao nhất). Bệnh viện An Sinh đã chuyển chị T. qua bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu, không lâu sau thì tử vong.

H.H