Đại Kỷ Nguyên

Người phụ nữ suýt chết sau khi tiêm thuốc làm trắng da

Nguyễn Thị H. (29 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh… do sốc phản vệ với thuốc làm trắng da. 

Chị H. đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bưu điện. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, khoảng 23h, ngày 8/5, chị H. có cảm giác lạnh run, sau đó sốt cao, nôn liên tục và được người nhà đánh gió. Tuy nhiên, tình trạng của chị H. càng càng xấu đi, không thể thở. Lúc này, gia đình tá hỏa đưa chị H. vào bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu.

Trước đó, bệnh nhân H. đã thực hiện tiêm, truyền thuốc làm trắng da tại cơ sở làm đẹp và mang theo vỏ của 2 loại thuốc đã sử dụng khi nhập viện. Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu chẩn đoán, chị H. bị sốc phản vệ, có nguy cơ tử vong nếu diễn tiến xấu.

Đến 8h, ngày 9/5, người bệnh tỉnh táo, huyết áp ổn định, hết ban đỏ, khó thở, không còn rét run…

BS. Dương Vương Trung, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bưu Điện cho biết, bệnh nhân sẽ tiếp tục được truyền Adrenalin, theo dõi trong khoảng 48-72 giờ. Nếu tình trạng hoàn toàn ổn định, bệnh nhân sẽ được xuất viện, theo Gia đình và Xã hội.

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, chưa có nghiên cứu nào chứng minh tiêm, truyền thuốc có khả năng làm trắng da như nhiều trang mạng quảng cáo.

Việc tiêm, truyền vào tĩnh mạch để làm trắng da được thực hiện trong trường hợp bệnh lý như bạch biến lan tỏa, hay trong các vấn đề thẩm mỹ có tăng sắc tố như rám má, tăng sắc tố sau viêm…

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Trước đó, trường hợp cô gái Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) chết hụt vì lột trắng da tại H. Spa của người bạn, theo Báo Đất Việt.

(Ảnh: Báo Đất Việt)

“Sau khi ủ xong mình bị choáng váng, đau đầu, mệt, không thở nổi, chân tay run lên, co giật và tim đập mạnh. Mình phải vào nhập viện cấp cứu và thở oxy, các bác sĩ nói cấp cứu không kịp sẽ nguy hiểm tính mạng.

Sau 2 lần cấp cứu thì da mình bị viêm, cháy bỏng vùng tay và mông, nên mình phải đi da liễu khám! Bác sĩ nói thận mình có vấn đề, nên ra chuyên khoa khám lại. Khi bác sĩ đa khoa quốc tế đọc kết quả xét nghiệm nước tiểu của mình do da liễu kiểm tra, bác sĩ có nói, cần kiểm tra thêm, nếu đúng thông số này mình có thể bị viêm thận hoặc dẫn đến suy thận, cần kiểm tra”, Ngọc chia sẻ.

(Ảnh: Báo Đất Việt).

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, chị em nên thận trọng khi quyết định lưa chọn thực hiện và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm làm đẹp. Không nên chạy theo trào lưu, tin tưởng tuyệt đối vào các quảng cáo theo kiểu truyền miệng hoặc sự lôi kéo của người khác.

Mọi người không nên đến những cơ sở thẩm mỹ, spa hay phòng khám chưa được cấp phép để thực hiện thủ thuật thẩm mỹ. Trước khi thực hiện, nên tìm hiểu kỹ để đảm bảo an toàn, tránh tiền mất tật mang.

H.H

Exit mobile version