Y học cổ truyền ngay từ sơ khai đã coi trọng sự hợp nhất của cơ thể người và vũ trụ tự nhiên (Thiên – Nhân hợp nhất). Muôn trường phái dưỡng sinh trường thọ cũng đều lựa theo đó, thuận với tự nhiên, hòa cùng đất trời xoay vần 12 canh giờ mỗi ngày, 4 tiết Xuân Hạ Thu Đông hàng năm. Một hệ đồng hồ tự nhiên trong và ngoài cơ thể vận hành song song được ứng dụng từ đó, nay khoa học hiện đại đã giải mã.
Tại sao người ta cứ tối đến lại buồn ngủ, sáng tự động tỉnh giấc? Tại sao cứ mỗi buổi sáng, trưa, tối lại đói, muốn ăn cơm? Mọi việc cứ nhịp nhàng như thế bất kể người Đông Tây, lớn bé… mà nhiều người gọi quy nạp chung lại là nhịp sinh học.
Nhịp sinh học chính là con người, động vật, thực vật thuận theo biến hóa của thời gian, sẽ có những biến hóa về hành vi, sinh lý khác nhau và những biến đổi này là có quy luật, lặp đi lặp lại. Tất cả tựa như chạy theo một chiếc đồng hồ có thể biết được tuần hoàn ngày đêm, mà điều chỉnh chức năng sinh lý lên xuống theo nhu cầu.
Trong cơ thể con người thật sự có “đồng hồ”?
Nhịp sinh học được ghi nhận từ lâu, liệu có tồn tại đồng hồ sinh học trong cơ thể người hay không vẫn là điều bàn cãi trong giới khoa học. Đây là kết quả của phản ứng cơ thể trước kích thích bên ngoài, hay thật sự bên trong cơ thể có đồng hồ sinh học đang điều khiển?
Rốt cuộc ba nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash, và Michael W. Young đã giải mã được vấn đề này thông qua công trình đoạt giải Nobel 2017 về cơ chế vận hành phân tử của nhịp sinh học.
Thực ra giới khoa học phần nào hiểu rõ về đồng hồ sinh học từ năm 1971. Có hai nhà khoa học đang nghiên cứu về ruồi giấm, thì phát hiện quy luật sinh lý của ruồi giấm có biến đổi kỳ lạ. Có con ruồi giấm biến quy luật nhịp sinh học 24h thành 19h, trái lại có con ruồi giấm đem quy luật 24h thành 28h. Mà những biến đổi này là do đột biến gen dẫn đến, gen đột biến đó được gọi là gen “chu kỳ” (Period).
Gen chu kỳ mã hóa cho một loại protein, ban đêm sẽ tăng dần, đến ban ngày lại giảm dần, chu kỳ này lặp đi lặp lại suốt đời. Điều này minh chứng trong cơ thể người có “đồng hồ sinh học”
Nghiên cứu còn phát hiện trong cơ thể con người có 2 loại đồng hồ sinh học. Một là đồng hồ sinh học trung ương nằm ở trong não. Loại thứ hai là nhiều đồng hồ sinh học ngoại vi phân bố khắp cơ thể. Kỳ diệu là các đồng hồ sinh học ngoại vi khống chế các chức năng sinh lý khác nhau, vận hành độc lập nhưng nhìn trên tổng thể thì chúng vận hành rất đồng bộ, hài hòa để tạo nên một cơ thể sống hoàn hảo.
Các đồng hồ sinh học này ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhiệt độ, huyết áp, hormon, chức năng sinh lý và chuyển hóa của cơ thể v.v. Nếu vận hành trái với đồng hồ sinh học ắt sẽ làm rối loạn các chức năng sinh lý của cơ thể, dần dần khiến nhiều bệnh phát sinh. Nghiên cứu đã mở ra cánh cửa rất quan trọng cho chuyên ngành “thời sinh học” nhằm giúp tìm hiểu các quy luật hoạt động sinh học theo thời gian để từ đó ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe.
Phép dưỡng sinh theo nhịp sinh học đã có từ 2000 năm trước
Từ 2000 năm trước, trong cuốn sách kinh điển của Đông Y “Hoàng Đế Nội Kinh” đã giải thích cặn kẽ, khoa học quy luật biến hóa của cơ thể theo thời gian. Theo Đông Y thuận theo biến hóa của thời gian trong một ngày, khiến cho các tạng phủ của cơ thể cũng sinh ra những biến hóa khác nhau Từng canh giờ (tương đương với 2 tiếng) đều tương ứng đường kinh chính của cơ thể. Mỗi đường kinh chính lại có liên hệ với một tạng phủ. Cho nên một ngày có 12 canh giờ tương ứng với 12 đường kinh và 12 phủ tạng.
Chẳng hạn căn cứ theo quy luật này, thì buổi sáng từ 5-7h là thời điểm kinh đại tràng mạnh nhất, bởi vậy sáng sớm sau khi dậy là thời điểm đại tiện rất tốt. Đến buổi trưa nên ăn no, nhiều chất dinh dưỡng vì từ 1-3 giờ chiều là ứng với kinh tiểu tràng (ruột non). Ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng, đem vận chuyển đi toàn thân, còn chất thải chuyển xuống đại tràng. Bởi vậy dinh dưỡng của bữa trưa sẽ được hấp thu tốt nhất.
Từ 3-5 h chiều là thời điểm kinh bàng quang vượng nhất, do đó đây là thời điểm uống nước tốt nhất, có lợi cho bàng quang và sự bài tiết chất thải.
Liên quan đến giấc ngủ, Đông y khuyên mọi người nên ngủ trước 11h đêm. Bởi vì từ 11h đêm đến 1h sáng là thời điểm dương khí trong cơ thể ẩn tàng. Ngủ trong lúc này sẽ giúp bảo dưỡng dương khí, đến sáng hôm sau sẽ thấy tràn đầy sức sống. Mà lúc rạng sáng từ 1-3h là thời điểm kinh của gan hoạt động mạnh, ngủ say trong thời gian này sẽ trợ giúp gan bài độc. Nếu như lúc này không ngủ say, hoặc thường bị đánh thức sẽ dễ tổn thương kinh gan, tạo thành khô mắt, váng đầu, ra mồ hôi trộm.
Giấc ngủ trưa cũng là cần thiết nhưng không nên ngủ lâu, chỉ cần 10 phút là đủ. Vì buổi trưa từ 11h đến 1h là thời điểm kinh Tâm mạnh nhất, trong thời gian này nghỉ ngơi một chút, thậm chí chỉ cần 5 phút nhắm mắt dưỡng thần, cũng rất tốt cho tạng Tâm.
Trong học tập, làm việc thì lúc 3-5 h chiều là thời điểm vàng. Vì ở thời điểm này khí huyết lên não bộ, hiệu suất làm việc sẽ cao hơn.
Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh: Thuận lẽ tự nhiên
Từ 2000 năm trước, Đông Y đã có lý luận tổng quan, khoa học về nhịp sinh học của cơ thể theo từng canh giờ. Nhưng dù là phép dưỡng sinh của Đông Y hay nghiên cứu, khám phá của Tây Y, các quy luật biến hóa trên đều nhằm phục vụ một mục đích: Thuận theo tự nhiên. Cũng để nói lên rằng, khi con người biết thuận theo các nguyên lý của vũ trụ, thân thể tự nhiên sẽ khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng là nhằm khám phá ra các quy luật của vật chất, từ đó vận dụng các quy luật này.
Nếu khoa học hiện nay đang nghiên cứu, khám phá những quy luật vật chất hiện hữu để ứng dụng vào cải thiện và nâng cao sức khỏe, thì khoa học Trung Quốc cổ đại đã tiến xa hơn nữa khi đã đặt chân đến lĩnh vực tinh thần. Trên thực tế khoa học cổ đại coi tinh thần và vật chất là một và không thể tách rời. Bởi vậy nói đến phép dưỡng sinh xưa không thể không nói đến dưỡng tâm.
Dưỡng tâm chính là thanh tâm quả dục, là thủ trung không đi đến cực đoan, là bỏ đi những tính xấu, nâng cao đạo đức v.v. dần dần đồng hóa với nguyên lý vũ trụ là Chân Thiện Nhẫn. Người xưa tin rằng khi một người tuân theo nguyên lý hoạt động của vũ trụ sẽ không chỉ có được sức khỏe, mà mọi mặt của sinh mệnh đều trở nên tốt đẹp.
Đại Hải