Một nghiên cứu suốt 16 năm tại Johns Hopkins (Mỹ) đã chỉ ra, những người cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cao hơn gấp 3 lần so với người ngủ đủ giấc.
Tiến sĩ Adam P. Spira, Giáo sư khoa Sức khỏe Tâm thần cho biết, chế độ ăn uống, hoạt động nhận thức và thể chất đã được công nhận là những yếu tố quan trọng trong phòng chống bệnh Alzheimer. Nhưng tác động của giấc ngủ đối với căn bệnh này vẫn chưa được công nhận.
Theo Daily Mail, từ năm 1991-2000, hàng ngàn tình nguyện viên, đã được hỏi 1 câu trắc nghiệm đơn giản: “Bạn thường hay buồn ngủ vào ban ngày hay không?” hay “Bạn có ngủ trưa không?” với lựa chọn các câu trả lời như hàng ngày, 1-2 lần/tuần, 3-5 lần/tuần, hiếm khi hoặc không bao giờ.
Đến năm 2005, một phần trong số họ đã được xét nghiệm quét PET để theo dõi các yếu tố liên quan đến bệnh Alzheimer.
Từ hàng ngàn người đăng ký, nhóm nghiên cứu đã xác định được 123 tình nguyện viên từng tham gia cả 2 nghiên cứu: Trả lời các câu hỏi và xét nghiệm PET sau 16 năm.
Kết quả, những người buồn ngủ vào ban ngày có khả năng tích tụ beta-amyloid (loại protein gây bệnh Alzheimer) trong não cao gấp 3 lần so với người ngủ đủ giấc.
Sau khi điều chỉnh theo tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể, nguy cơ vẫn cao hơn 2,75 lần ở những người buồn ngủ ban ngày.
Spira cho biết: “Chúng tôi chưa rõ lý do tại sao buồn ngủ ban ngày lại có liên quan với sự lắng đọng protein beta-amyloid. Có thể do ánh nắng mặt trời làm tê liệt sự cân bằng hóa học trong cơ thể, gây mệt mỏi, khiến protein này hình thành trong não. Tuy nhiên, có nhiều khả năng liên quan đến giấc ngủ chất lượng kém vào ban đêm, gây nên sự tích tụ các mảng beta-amyloid”.
Trên thực tế, người mắc bệnh Alzheimer có xu hướng khó ngủ do các mảng beta-amyloid gây bệnh Alzheimer trong não làm cản trở khả năng ngủ.
Đến giờ, vẫn chưa có cách chữa trị bệnh Alzheimer triệt để, nhưng việc ưu tiên ngủ đủ giấc hàng ngày có thể là một cách để giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tình trạng bệnh.
Theo Daily Mail
Hoài Phương