Theo điều tra gần đây của Bộ Y tế, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành hiện nay là 27%, nghĩa là hơn 3 người lớn có 1 người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người bị bệnh tăng huyết áp vẫn không được chẩn đoán kịp thời, do họ không thấy có triệu chứng gì đặc biệt nên vẫn tưởng là mình bình thường. Vì vậy, bạn rất cần nâng cao nhận thức cũng như những hiểu biết cơ bản về bệnh lý này để có thể để phòng chống bệnh tăng huyết áp một cách hiệu quả.

Tổng quan về tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý đang gia tăng rõ rệt ở nước ta, đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất về tim mạch vì tính phổ biến của nó trong cộng đồng, và nhất là vì nó gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ở tim, thận, não, mắt và động mạch ngoại biên.
Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch. Một người được gọi là bị tăng huyết áp (THA) khi có huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.

Đa số người bị THA đều không tìm thấy căn nguyên, vì vậy gọi là THA nguyên phát. Ở những người này thường thấy có một số yếu tố làm cho dễ bị bệnh hơn người không có các yếu tố đó – được gọi là các yếu tố nguy cơ. Những người bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu thì cũng rất dễ có bệnh THA đi kèm. Chỉ có khoảng 10% các trường hợp là tìm được nguyên nhân gây THA, gọi là tăng huyết áp thứ phát.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp nguyên phát

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp, tùy từng trường hợp bệnh của mỗi người mà có những nguyên nhân khác nhau. Tuy không biết được chính xác nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát nhưng các nhà nghiên cứu thấy sợi dây liên kết giữa tăng huyết áp nguyên phát với các yếu tố sau:

Do tuổi tác, thường là với người lớn tuổi

Ảnh: revistaccesos.com

Tuổi càng cao, nguy cơ trở thành nạn nhân của căn bệnh cao huyết áp càng lớn. Theo thời gian sẽ xuất hiện quá trình xơ vữa động mạch, xuất hiện các mảng bám (tạo ra bởi mỡ, cholesterol, canxi và những chất khác có trong máu), các mảng bám này sẽ cứng dần lên, làm cho lòng mạch hẹp lại.

Lòng mạch hẹp lại khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở, áp lực dòng máu chảy qua nơi đó tăng lên từ đó khiến huyết áp tăng. Huyết áp tăng lâu dần sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, suy thận và đột qụy.

Do di truyền: yếu tố về gia đình có người có tiền sử tăng huyết áp.

Theo y học thì các bất thường về gien có thể dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp. Vì thế mà tăng huyết áp sẽ có khả năng di truyền.

Dạng cao huyết áp do di truyền có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe đối với người trẻ tuổi. Tuy nhiên các trường hợp tăng huyết áp do bất thường về gien là rất ít, chiếm tỷ lệ chưa đến 1%.

Giới tính

Trước tuổi 50, nam giới dễ mắc huyết áp cao hơn so với nữ giới, nguyên nhân do bệnh béo phì, làm việc căng thẳng, lối sống không lành mạnh, tiêu thụ rượu bia quá nhiều. Vì vậy, nên giữ gìn lối sống và thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên sau tuổi 55 tỷ lệ phụ nữ bị bệnh này cao hơn chính bởi đây là thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh gây ra sự thay đổi nội tiết tố… là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp.

Do béo phì, thừa cân

Ảnh: Extrapauta

Theo nghiên cứu cho thấy thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh cao huyết áp. Nguy cơ cao huyết áp của nhóm người này cao gấp từ 2 -6 lần so với nhóm người gầy. Những người tích tụ mỡ quanh bụng, hông và đùi cũng có nguy cơ bị huyết áp cao.

Uống nhiều bia rượu, các chất có cồn. Hút thuốc lá, các chất kích thích…

Rượu, bia có hại cho sức khỏe của bạn, trong đó ảnh hưởng nhiều đến huyết áp. Chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá sẽ gây kích thích thần kinh, làm co mạch máu từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó thói quen này còn phát triển các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.

Ít tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, công việc phải ngồi 1 chỗ lâu

Cơ thể con người cần vận động để giúp máu lưu thông. Bởi vậy, nếu lười biếng, bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mất ngủ, stress, tăng cân… từ đó gây ra rối loạn và khiến huyết áp tăng cao. Điều này dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.

Ăn mặn, ăn nhiều muối

Ảnh: Fate/Grand Order Wikia

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa bệnh cao huyết áp và muối ăn. Những người ăn quá mặn có chỉ số huyết áp cao hơn hẳn so với những người ăn nhạt. Chính vì muối ăn chứa thành phần chính là natri. Khi lượng natri lớn thấm vào tế bào dẫn đến tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch dẫn đến tăng huyết áp.

Sử dụng thuốc tránh thai

Đã có bằng chứng mới cho thấy có mối liên quan giữa tăng huyết áp với các viên thuốc tránh thai. Các thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp.

Thường xuyên căng thẳng, công việc nhiều áp lực

Công việc căng thẳng, ngồi nhiều trong văn phòng hoặc những nguyên nhân khác gây áp lực trong cuộc sống sẽ khiến áp lực động mạch tăng lên dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Tuy nhiên nếu áp lực, căng thẳng không kéo dài thì tình trạng huyết áp tăng lên chỉ là tạm thời do vậy hãy bình tĩnh và thư giãn để bình ổn huyết áp, cân bằng cuộc sống.

BS. Thu Trang