Môn vị là đoạn cuối nối dạ dày với ruột non, có nhiều biến chứng từ bệnh lý của dạ dày dẫn đến hẹp môn vị. Khi này thì rất có thể phải phẫu thuật. Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây để bạn biết được những bệnh lý liên quan và có cách phòng cũng như điều trị căn bệnh này như thế nào.
1. Hẹp môn vị là bệnh gì?
Hẹp môn vị là hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột non được hoặc xuống rất hạn chế. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân lành tính nhưng cũng có thể ác tính, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
2. Vị trí của môn vị
Cấu trúc giải phẫu của dạ dày gồm tâm vị, bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, hang vị và môn vị. Môn vị một van cơ bắp chỗ tiếp nối của phần ngang dạ dày với hành tá tràng. Môn vị đóng vai trò quan trọng trong tiêu hoá thức ăn và cũng liên quan mật thiết với các bộ phận khác của dạ dày.
3. Nguyên nhân gây nên bệnh hẹp môn vị
Loét tá tràng: Trước đây, loét tá tràng là nguyên nhân hay gặp (5 – 15%), do ổ loét to, xơ chai gây biến dạng và chít hẹp. Hiện nay, do những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh và quan điểm điều trị bệnh loét nên hẹp môn vị do loét giảm đáng kể (2 – 5%).
Ung thư hang – môn vị dạ dày: Tỷ lệ ung thư vùng hang – môn vị hay gặp trong ung thư dạ dày, từ 20 – 60%. Khối u sùi cùng thành dạ dày bị thâm nhiễm làm hẹp lòng hang – môn vị, tình trạng hẹp diễn ra tăng dần theo sự phát triển của khối ung thư.
Các nguyên nhân tại dạ dày
- U lành tính vùng môn vị, thường là polyp môn vị, hang vị tụt xuống gây bịt môn vị
- Sa tụt niêm mạc dạ dày qua lỗ môn vị
- Teo cơ hang vị
- Hẹp phì đại môn vị
- Hạch trong bệnh Hodgkin
- Sẹo bỏng dạ dày do uống phải acid, kiềm
Các nguyên nhân ngoài dạ dày
- Tổ chức tụy vòng lạc chỗ vùng môn vị
- U tụy xâm lấn môn vị, tá tràng
- Viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật, sau phẫu thuật cắt túi mật…
Do các bệnh về dạ dày hay tá tràng, khi uống nhiều rượu hay bị ngộ độc thực phẩm dễ dẫn tới tình trạng viêm, loét từ đó làm hẹp môn vị. Tuy nhiên, sau những cơn bệnh này thì hẹp môn vị cũng sẽ biến mất.
4. Triệu chứng biểu hiện
Giai đoạn đầu:
- Đau bụng: Thường đau sau bữa ăn, đau vùng thượng vị, tính chất đau không có gì đặc biệt, đau giảm đi sau khi nôn.
- Nôn: Xuất hiện sớm sau khi ăn, có khi nôn ra thức ăn của bữa ăn trước cùng dịch dạ dày màu xanh đen.
- Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu.
- Toàn thân chưa biến đổi, chưa có tình trạng mất nước và rối loạn điện giải.
- Hút dịch dạ dày vào buổi sáng sớm khi chưa ăn thấy: hiện tượng tăng tiết > 100 ml/2h (bình thường 40 – 60 ml/2h), có thể thấy cặn thức ăn bữa trước cùng dịch dạ dày ứ đọng.
Giai đoạn tiến triển:
- Đau bụng: Xuất hiện muộn hơn, 2 – 3 giờ sau ăn, ăn vào đau tăng. Đau từng cơn liên tiếp nhau, bệnh nhân không dám ăn, mặc dù rất đói.
- Nôn: Nôn càng ngày càng nhiều, nôn ra dịch ứ đọng trong dạ dày, màu xanh đen, có thức ăn của bữa mới lẫn với thức ăn của bữa trước chưa tiêu. Sau nôn bệnh nhân hết đau, cho nên có khi bệnh nhân phải móc họng để nôn.
- Toàn thân: Người gầy, da khô, mất nước, mệt mỏi. Do nôn nhiều, ăn uống ít nên thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh, đái ít và táo bón.
- Tiếng từ dạ dày: Lắc bụng sẽ nghe được tiếng óc ách như lắc một chai nước, do dịch vị và thức ăn ứ đọng ở dạ dày.
Giai đoạn cuối:
- Đầy bụng, chướng hơi, ậm ạch, ăn uống khó tiêu.
- Đau liên tục nhưng nhẹ hơn giai đoạn trước.
- Nôn ít hơn, nhng mỗi lần nôn ra rất nhiều dịch ứ đọng và thức ăn bữa trước; chất nôn có mùi thối; bệnh nhân thường phải móc họng cho nôn.
- Tình trạng toàn thân suy sụp rõ rệt, biểu hiện mất nước: thể trạng gầy, mặt hốc hác, mắt lõm sâu, da khô nhăn nheo, tình trạng có khi lơ mơ vì urê huyết cao, có trường hợp co giật vì canxi trong máu thấp.
- Trong giai đoạn này cần phải xác định sự thiếu hụt của nước và điện giải để bồi phụ thích hợp.
- Dạ dày dãn to, xuống quá mào chậu, có khi chiếm gần hết ổ bụng, bụng chướng không chỉ riêng ở thượng vị mà toàn bụng.
5. Phòng bệnh hẹp môn vị
- Ăn uống ngủ nghỉ có khoa học, hạn chế ăn thực phẩm chua cay, nóng, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn… dễ dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Không hút thuốc
- Hạn chế sử dụng bia rượu vì đây là nguyên nhân gây nên bệnh lý về dạ dày và đường tiêu hóa.
- Nhai kỹ trong bữa ăn để giảm nguy cơ đau dạ dày
- Tránh lo âu và stress sẽ dẫn tới bệnh lý về dạ dày
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có và được điều trị kịp thời, khi có các biểu hiện của đường tiêu hóa bạn hãy tới bác sĩ để được kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.
6. Điều trị bệnh hẹp môn vị
Trước hết các bác sĩ phân biệt là hẹp cơ năng hay thực thể. Hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh, truyền dịch, các thuốc chống co thắt. Hẹp môn vị thực thể phải điều trị ngoại khoa, trước khi phẫu thuật phải bồi phụ nước, điện giải và cung cấp năng lượng cho bệnh nhân.
Điều trị ngoại khoa được đề ra nhằm mục đích chính là giải quyết tình trạng hẹp và có thể đồng thời chữa triệt căn. Tốt nhất là phẫu thuật cắt đoạn dạ dày nếu bệnh nhân đến viện sớm, tình trạng toàn thân cho phép, chuẩn bị tốt. Nếu bệnh nhân đến muộn, yếu, tình trạng toàn thân không cho phép, nên phẫu thuật nối vị tràng.
Các phương pháp phẫu thuật:
– Cắt đoạn dạ dày, lập lại sự lưu thông tiêu hóa theo kiểu Billroth I hoặc Billroth II. Nếu hẹp môn vị do loét nên cắt 2/3 dạ dày, còn do ung thư nên cắt toàn bộ hay cắt 3/4, 4/5 dạ dày theo nguyên tắc phẫu thuật ung thư.
– Phẫu thuật nối vị tràng (giải quyết được hẹp môn vị, nhưng nguyên nhân gây hẹp vẫn còn nhất là ung thư dạ dày) chỉ định cho những trường hợp:
- Hẹp môn vị giai đoạn muộn, người già và tình trạng suy kiệt
- Loét tá tràng ở sâu mà không có khả năng cắt dạ dày được
– Cắt dây thần kinh X kèm theo nối vị tràng, cắt hang vị hoặc tạo hình môn vị: Chỉ áp dụng cho hẹp môn vị do loét hành tá tràng, có thể cắt thân dây X, cắt chọn lọc kinh điển, hoặc siêu chọn lọc (hiện nay ít áp dụng).
– Hiện nay, đã áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị hẹp môn vị do ung thư hang vị trong các trường hợp cắt đoạn dạ dày triệt căn hoặc sử dụng nội soi ổ bụng với mục đích chẩn đoán.
Thái Sơn