Đại Kỷ Nguyên

Nhai kỹ không chỉ giúp no lâu, ăn và biết ngon thì thức ăn chính là thuốc!

Ông cha xưa vẫn dạy rằng ‘nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa’, đồ ăn ngày xưa hẳn sẽ không phong phú và dư giả như thời nay nên đó chính là phương pháp thực dưỡng thực tiễn nhất. Đồng thời việc nhai kỹ sẽ mang lại cho bạn vô vàn tác dụng mà có tiền cũng không mua được, chậm mà chắc.

Nhịp sống hiện đại ngày nay dễ khiến chúng ta bận rộn mọi lúc mọi nơi, ngay đến cả việc ăn uống, một nhu cầu thiết yếu của con người cũng phải tranh thủ: ăn trên đường đi, thức ăn nhanh fast food, mì ăn liền…

Nhưng thói quen ăn nhanh sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ như tăng gánh nặng tiêu hoá cho dạ dày, nguy cơ béo phì và đáng buồn hơn là ăn mà không biết ngon.

Nhai kỹ vừa hỗ trợ tiêu hoá lại tiết kiệm lương thực

Khi nhai kỹ, thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn.

Thay vì một người ăn 4 chén cơm mới cảm thấy no và đầy đủ năng lượng thì chỉ cần ăn 2 – 3 chén và nhai kỹ cũng có thể mang lại phần năng lượng tương tự. Các chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn và dạ dày cũng làm việc bớt cực nhọc hơn. Từ việc nhai kỹ thức ăn, chúng ta có thể tiết kiệm được lượng thức ăn mỗi ngày, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm bớt gánh nặng cho dạ dày mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng.

Không những thế, trong khi nhai, nước bọt tiết ra làm nhão thức ăn giúp chúng ta dễ nuốt hơn. Trong nước bọt có men tiêu hóa thức ăn giúp thức ăn được tiêu hóa một phần trước khi xuống dạ dày.

Nếu ta không nhai kỹ trước khi nuốt, thì dạ dày sẽ lãnh hết mọi trách nhiệm nặng nề, và trở nên suy yếu sau vài chục năm làm việc. Không những thế, nước bọt còn có chất Immunoglobulin giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và muccus protein có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Nhai kỹ giúp tăng sức đề kháng, thậm chí là phòng ngừa ung thư

Ngoài ra, trong nước bọt còn có chất bacteriolysin có tác dụng phân giải và hòa tan các vi khuẩn và virút. Người ta thí nghiệm với ống nghiệm có đựng nước bọt, sau đó đưa vật chất gây bệnh ung thư có hại nhất vào rồi quan sát. Lúc đầu không có gì lạ nhưng khi lắc ống nghiệm khoảng 30 giây thì thấy 80 – 100% độc tố của vật chất gây bệnh ung thư đã biến mất.

Thí nghiệm trên chứng tỏ rằng, nước bọt được tiết ra khi nhai có tác dụng trừ độc rất mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chúng ta cần phải nhai kỹ thức ăn từ 30 giây trở lên hay khoảng 20 lần thì mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thay vì kiêng khem khổ sở, thể dục nặng nhọc, đây có thể là một biện pháp giảm cân hữu hiệu

Việc ăn nhanh làm tăng nguy cơ béo phì. Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh sẽ ăn nhiều hơn những người ăn chậm. Khi ăn nhanh, cơ thể sẽ ngừng tiết hormone có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã đầy. GS. Stephen Bloom ở đại học Imperial cho biết: “Vừa ăn vừa làm việc hay ngồi ăn trước màn hình đều làm cho lượng thực phẩm vào cơ thể nhiều hơn bình thường, làm tăng nguy cơ béo phì. Không nghi ngờ gì nữa nếu bạn ăn chậm, mọi thứ sẽ được kiểm soát và bạn sẽ thon thả hơn”.

Ăn được ngủ được là tiên – Ăn và biết ngon, thì thức ăn chính là thuốc

 

Một trong những điều quan trọng mà việc ăn chậm, nhai kỹ mang lại cho chúng ta là giúp chúng ta ăn ngon hơn. Phương pháp thực dưỡng của tiên sinh Osawa cũng kêu mọi người nhai cơm thật kỹ, đến khi thành nước rồi hãy nuốt. Bạn có thể thử nghiệm với chính bản thân. Thử lấy một miếng bánh mì hay một ít cơm rồi nhai thật kỹ, khoảng 20 lần xem như thế nào. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt của thức ăn, và sự tuyệt diệu mà chúng mang lại.

Chúng ta ngày nay ăn không biết ngon nữa vì nhai và nuốt vội vàng, đánh mất khả năng thưởng thức thực phẩm. Chúng ta phải nhờ đến những cách chế biến thức ăn cầu kỳ, phức tạp và mới lạ với nhiều gia vị khác nhau để biết được vị ngon giả tạo trong chốc lát ở đầu lưỡi.

Ăn không biết ngon là nguồn gốc của mọi căn bệnh về thân và cả về tâm.

Tập ăn, tập nhai và lựa chọn đồ ăn để thay đổi thói quen ăn nhanh của bạn

Nghe có vẻ buồn cười khi không phải là con nít mà còn phải tập ăn. Nhưng từ xưa ông cha đã có câu: “Học ăn học nói, học gói, học mở”, để chú trọng đến việc ăn uống (hợp lý, có ý tứ…) chứ không đơn thuần là nuốt vào cho đầy bụng.

Muốn được vậy, bạn cần tập nhai.  Nhai cho đến khi nào thực phẩm biến thành ngon và ngọt thì mới nuốt. Bạn sẽ thấy có nhiều hạnh phúc trong khi ăn. Thức ăn trở thành thuốc cho thân và cho tâm.

Để đạt hiệu quả cho việc ăn uống, chúng ta cần ăn những thức ăn ít nước để không nuốt thức ăn quá nhanh mà không kịp nhai kỹ, để nước bọt kịp tiết ra và phát huy khả năng kỳ diệu của nó. Chúng ta có thể uống nước canh trước hoặc sau khi ăn cơm xong thay vì đổ nước canh vào cơm.

Những thức ăn có nhiều nước như: hủ tiếu, phở, cháo, bún, bánh canh… chúng ta cần hạn chế, không nên ăn quá thường xuyên. Ngay cả khi bạn vội thì nhai kỹ một chút thức ăn vẫn đủ năng lượng và tốt hơn là ngốn thật nhiều thức ăn vào miệng trong một lúc.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version