Một phần ba bệnh nhân nhiễm trùng huyết đều tử vong. Do vậy, việc tuân thủ chế độ kiêng cữ lúc mang thai và sau sinh đúng cách, đồng thời nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm trùng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh nguy cơ tử vong cho người mẹ.
Vừa qua cộng đồng mạng xôn xao dư luận về sự việc sản phụ vừa sinh con đã phải cắt cụt tứ chi. Đây là trường hợp của chị Dương Thị T. (1992) ở Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, niềm hạnh phúc của gia đình chưa được bao lâu khi mà chị vừa hạ sinh đứa con trai kháu khỉnh vào ngày 17/11/2018 thì cơn ác mộng đã vội vàng ập đến.
Vài ngày sau sinh con, chị T. bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ rồi nặng dần. Đến ngày thứ 3, tình hình không ổn nên gia đình đưa chị đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chữa trị, sau đó chuyển ngay đến bệnh viện Quốc tế Becamex. Tại đây, chị T. tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cấp cứu vì máu của chị bị nhiễm trùng rất nặng.
Mặc dù được cấp cứu tích cực, lọc máu có công cụ hỗ trợ tim nhưng do trường hợp nhiễm trùng quá nặng, các cơ quan đều bị suy nên máu không đến được tất cả các bộ phận trong cơ thể. Do do máu không đến được các chi nên tứ chi của chị ngày càng bị thâm đen, khô lại. Các bác sĩ phải cắt bỏ tứ chi để ngăn hoại tử lan rộng gây tử vong.
Theo các chuyên gia y tế cho biết, nhiễm khuẩn đường huyết sau sinh thực sự là nỗi sợ hãi đối với bác sĩ, những ca bệnh này thường rất nặng và các vi khuẩn kháng nhiều thuốc kháng sinh.
Ngoài trường hợp của chị T. là nhiễm trùng huyết sau áp xe ngực là nguyên nhân thường gặp thì những phụ nữ sau sinh còn phải đối mặt với những nguyên nhân xuất phát từ bộ phận sinh dục, thường xảy ra trong thời kỳ hậu sản.
Thông thường, người mẹ sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng sau sinh khác nhau, chính vì vậy, một số triệu chứng của bệnh nhiễm trùng thường bỏ qua, do đó, căn bệnh thường khó được phát hiện sớm. Tuy nhiên, các mẹ có thể nhận biết những dấu hiệu nhiễm trùng sau sinh với một số biểu hiện dưới đây.
Biểu hiện nhiễm trùng sau sinh
– Cảm lạnh: Đầu tiên, người mẹ có thể bị cảm lạnh trước khi cơn sốt bắt đầu xuất hiện.
– Sốt cao: Trong vòng 1 tuần sau sinh, nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện sốt cao trên 39 độ, cơ thể xanh xao, mệt mỏi, mẹ cần lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng sau sinh.
– Nhiễm trùng sau áp xe tuyến vú: Áp xe thường xuất hiện sau tuyên tắc sữa hoặc viêm tuyến vú, tại vú xuất hiện các triệu chứng như vú sưng lên, căng cứng và đau nhức kèm theo tình trạng sốt, đau tăng khi cử động vai hay cánh tay, hạch ở nách cùng bên sưng to và đau.
– Nhiễm trùng từ bộ phận sinh sản:
- Băng huyết: Đây là một trong những biến chứng sản khoa rất thường gặp trong vòng 20 – 24 giờ sau sinh với triệu chứng là chảy nhiều máu. Biến chứng này thường tái phát khi người mẹ mang thai sớm sau khi sinh.
- Âm hộ phù nề: Trong quá trình sinh thường, nếu tầng sinh môn bị nhiễm khuẩn sẽ gây phù nề, sưng âm hộ, nhiễm trùng, mưng mủ vết khâu ở tầng sinh môn…
Nhiễm trùng sau sinh là biến chứng vô cùng nguy hiểm và một khi phát triển thành nhiễm trùng huyết sẽ có rất ít cơ hội để chữa trị, vì vậy ngay khi có những dấu hiệu bất thường, cần đưa bà mẹ sau sinh đi đến cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.
Minh Nguyên