Những ngày gần đây, miền Bắc nền nhiệt giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân, đặc biệt người già và trẻ nhỏ “ùn ùn” nhập viện do mắc các bệnh hô hấp, xương khớp…
Miền Bắc đang hứng chịu đợt rét hại kéo dài, khi nhiều nơi nhiệt độ đã giảm xuống dưới 3 độ C, thậm chí như Mẫu Sơn âm độ, Sapa có tuyết rơi, khiến nhiều người già, trẻ em “ùn ùn” nhập viện.
Theo Người Lao Động, tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, giường bệnh đều phải nằm ghép 2-3 người. Hầu hết bệnh nhân nhập viện điều trị tại đây là người có sẵn bệnh mạn tính như hen và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trời rét đậm ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em và người già, nhất là những người có bệnh mạn tính về tim mạch, huyết áp, bệnh về đường hô hấp, tai biến ở người cao tuổi.
Giá rét những ngày gần đây khiến số ca nhập viện tại tỉnh Lạng Sơn tăng từ 10-15%, chủ yếu do các bệnh viêm phổi, viêm họng cấp và viêm phế quản cấp.
Tại khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn, các trường hợp đến cấp cứu do các bệnh liên quan đến hệ hô hấp, chủ yếu là người già. Các giường bệnh ở các khoa hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp đã không còn chỗ trống. Nhiều bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, tắc đường thở, nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn, Thanh Hóa số trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy do vi rút rota tăng hơn ngày thường, bình quân lưu lượng điều trị tại khoa khoảng từ 40 đến 65 bệnh nhân/57 giường thực kê (20 giường kế hoạch). Ở khoa hồi sức cấp cứu lượng bệnh nhân cũng tăng gấp 1,5 lần so với trước.
Phòng bệnh mùa lạnh
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Theo bác sĩ Hùng khuyến cáo: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.
Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ; đồng thời, cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
Người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp… cũng tiến triển nặng, đặc biệt là tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ.
Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường.
Ngoài ra, người già cần chú ý uống đủ nước dù trời lạnh, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch…
Mặt khác, người cao tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết, giữ gìn sức khỏe ; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh…
Phương Nam