Đại Kỷ Nguyên

Nhờ thầy lang bó thuốc chữa gãy tay, bé trai 8 tuổi bị cứng khớp

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tp.HCM đã tiếp nhận bé trai 8 tuổi bị gãy chỏm quay tay trái lâu ngày có biểu hiện cứng khớp khuỷu do tự bó thuốc Nam tại nhà. 

Theo VnExpress, 3 tháng trước bệnh nhi bị ngã. Do không trầy xước nhiều, chỉ đau nên gia đình đưa con đến thầy lang để bó thuốc. Đến nay, tình trạng đau nhức không thuyên giảm, bé gặp khó khăn khi vận động tay. Lúc này, gia đình mới tá hỏa đưa con vào viện.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á chẩn đoán bé bị gãy chỏm quay tay trái. Nhưng không điều trị kịp thời nên chỏm quay bị hoại tử và dính chặt mô xơ, gây biến chứng cử động khớp.

Bệnh nhi đã phải trải qua ca phẫu thuật bỏ chỏm quay, giải phóng khớp khuỷu, sau đó nẹp bột cánh tay. Hiện, bệnh nhi đã cử động được tay nhưng phải tích cực tập vật lý trị liệu.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng do chữa bệnh bằng thuốc Nam. Trước đó, các bác sĩ khoa Nhi bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, Uông Bí đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp tuần hoàn, hạ đường huyết, bỏng độ II do điều trị bỏng bằng thuốc Nam.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Tiếp chia sẻ, trẻ nhỏ khi bị gãy xương cần phải được khám chuyên khoa, điều trị sớm, nếu không sẽ bị cứng khớp. Điều trị ở các thầy lang không có chuyên môn sẽ dẫn đến những nguy cơ đáng tiếc như cứng khớp, thoái hóa khớp…

Bệnh nhi đang được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Tp.HCM)

Thuốc Nam chữa gãy xương chủ yếu là các vị thuốc có tác dụng tiêu sưng, giảm đau. Trong trường hợp người bệnh gãy xương kín, không có di lệch, hoặc rạn xương, nếu đảm bảo cố định xương tốt thì sau 6-8 tuần, cơ thể sẽ tự bồi đắp chất tạo xương khiến xương liền lại. Vì vậy, không có thuốc nào đắp ngoài có tác dụng làm liền xương.

Nguyên tắc của Đông y lẫn Tây y trong điều trị cơ-xương-khớp là phải nắn chỉnh xương trở lại trạng thái giải phẫu ban đầu, cố định để khỏi di lệch. Phương pháo chắc chắn và triệt để nhất là phẫu thuật cố định vị trí xương.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, ThS. BS. Đỗ Văn Minh (Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức), không phải thầy lang nào cũng có hiểu biết về giải phẫu cơ thể người, hơn nữa do không có các thiết bị kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ, họ khó có thể nắn chỉnh xương trở về đúng chuẩn được. Ngoài ra, trong thời gian bó lá, do không được cố định vững chắc, xương cũng rất dễ bị di lệch, gây biến chứng nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người khi thấy bất thường về sức khoẻ nên đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh sử dụng các loại thuốc Nam không có nguồn gốc để chữa các vết thương hở gây nhiễm trùng, đặc biệt là trẻ em.

H.H

Exit mobile version