Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Ngoài giá trị là cầu chúc may mắn ngày Tết (cầu vừa đủ xài sung/thơm), các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
Vào dịp Tết Nguyên đán, từ Bắc chí Nam, nhà nào cũng đều có bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Mâm ngũ quả thường theo năm sắc màu đó để phối trí các loại quả cho tương xứng. Năm màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên).
Các quả được bày vào dịp tết thường người ta chọn loại quả tươi tốt, có màu sắc đẹp và có ý nghĩa tượng trưng cho mong ước của mình. Trong đó, ngũ quả được chưng nhiều nhất thường là: mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc).
Các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt.
Mãng cầu
Mãng cầu dai (na hay còn gọi là mãng cầu ta) chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, cellulose, tro và các chất khoáng vi lượng, vitamin. 100g phần ăn được của quả na cung cấp 98 calo.
Đây là loại trái cây có ích cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Trong đông y, quả mãng cầu xiêm xanh phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét.
Dừa
Quả dừa, theo Đông y gọi là da tử, có vị ngọt, tính bình, không độc, ăn đỡ đói.
Trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, có ghi tác dụng của quả dừa giúp khử phong, ích khí, tiêu phù thũng, trừ hoắc loạn, tâm phiền, giải nhiệt độc.
Nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm: vitamin C, sắt, phospho, calci, kali, magiê, natri, các chất khoáng khác, lipid, protein, đường… giúp tiêu khát, khỏi thổ huyết, trừ say nắng, giúp đen râu tóc. Ngoài ra, nước dừa vô trùng còn được dùng làm dung dịch truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.
Bạn có thể tham khảo công thức dùng dừa để giải độc gan dưới đây:
Ngâm đậu đen trong nước rửa sạch rồi đem. Sử dụng dao để cắt phần nhỏ của quả dừa làm nắp đậy, để nguyên nước dừa trong quả. Tiếp đến, cho đậu đen vào cùng, đậy nắp dừa lại. Cho dừa hấp cách thủy trong thời gian 4 giờ.
Khi nước hãy còn ấm, bạn uống luôn hoặc cho thêm chút muối nếu như thích. Mỗi tháng, bạn nên áp dụng bài thuốc này từ 2-3 lần.
Đu đủ
Đu đủ giàu các chất dinh dưỡng như glucid, protein, lipid, tro và các vitamin, chất khoáng. Trong 100g phần ăn được của đu đủ cung cấp 45 calo.
Theo Đông y, đu đủ chín có vị ngọt, mát, tác dụng nhuận tràng, tiêu thực, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu. Đây là loại quả bổ dưỡng, giúp tiêu hóa protid, lipid, albumin rất hiệu quả.
Đu đủ xanh có vị đắng, ngọt, tác dụng tiêu rất mạnh (dễ gây xót ruột khi dùng nhiều), được dùng chữa rối loạn tiêu hóa do tỳ vị yếu, viêm dạ dày mãn tính, viêm dạ dày-ruột non ở trẻ em.
Ngoài ra, còn có tác dụng giúp cơ thể phòng chống ung thư, sát trùng diệt khuẩn. Một số rối loạn về ti êu hóa có thể sử dụng đu đủ chín nấu ăn để điều hòa.
Chuối
Ngoài việc thêm chuối vào mâm ngũ quả, các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyên bạn nên bổ sung loại quả này vào thực đơn tráng miệng những ngày Tết.
Bởi chuối có tác dụng cải thiện chức năng trao đổi chất và tiêu hóa của cơ thể, giúp hạn chế chứng đầy bụng, khó tiêu do ăn quá nhiều. Đặc biệt chuối tiêu có thể chế thành bài thuốc chữa đau dạ dày rất tốt.
Cách làm:
Chuối tiêu xanh rửa sạch, bỏ vỏ và ngâm qua nước muối rồi xắt thành những lát mỏng đem phơi hoặc sấy khô. Tán chuối thành bột mịn và cất vào hũ xài dần.
Mỗi ngày bạn lấy khoảng 20-30g bột chuối ra uống với nhiều nước sẽ có tác dụng phòng và trị đau dạ dày rất tốt.
Bưởi
Bưởi là trái cây chứa nhiều vitamin C giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Bưởi có thể tận dụng múi, hạt, vỏ hay cả lá để chế thành bài thuốc giúp chữa được nhiều bệnh.
Thời tiết mùa đông lạnh, nhiều người dễ mắc bệnh cảm, nếu biết tận dụng lá bưởi để xông sẽ giúp bệnh nhanh khỏi.
Cách làm:
Người bị nhức đầu, sốt ho, sổ mũi, ngạt mũi, không đổ mồ hôi có thể lấy 50 gam lá bưởi, lá sả, lá hương nhu, lá tre mỗi thứ 20 gam.
Tất cả cho vào nồi, lấy lá chuối bịt kín miệng nồi, đun sôi 5 phút rồi đem xông sẽ nhanh chóng hết những triệu chứng trên.
Sung
Căn bệnh viêm khớp gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của bạn. Có rất nhiều cách để chữa căn bệnh khớp này. Trong đó, có phương thức chữa đau khớp bằng quả sung hầm thịt lợn nạc.
Cách làm:
Quả sung tươi 500g, thịt lợn nạc 100g, hầm trong 30 phút, ăn cả cái và uống nước canh. Hoặc lấy sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn. Ăn hằng ngày có thể chữa bệnh đau khớp rất hiệu quả.
Xoài
Những người bị cảm cúm, ho, ho có đờm có thể tận dụng loại quả thơm ngon này thành bài thuốc chữa bệnh vừa an toàn lại giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh.
Cách làm:
Chuẩn bị quả xoài 50g, đường trắng 25g, chè xanh 0,5-1g. Quả xoài bỏ hạt, lấy vỏ và cùi thịt, đổ 400ml nước, đun sôi 3 phút, cho đường trắng và chè xanh vào là được.
Phương Nam