Đại Kỷ Nguyên

Những bài thuốc thú vị từ cây na dân giã và lưu ý chất độc trong hạt na

Tiết trời thu khi gió heo may về cũng là lúc mùa na chín rộ. Thức quả nhiều mắt, vỏ xù xì này không chỉ mang lại hương vị tuyệt hảo mà còn chứa nhiều lợi ích cho sức khoẻ, đặc biệt rất tốt với người bệnh đái tháo đường.

Quả na hay còn gọi là mãng cầu ta, có nguồn gốc từ châu Mỹ nhiệt đới, hiện nay đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, loài quả này cũng có mặt ở khắp các tỉnh thành. Trong đó, vùng đất Chi Lăng, Lạng Sơn được coi là nơi trồng nhiều na nhất. Người dân gọi vui nơi đây là “vựa na” do đặc tính chuyên canh cây trồng là na của vùng này. Tại huyện Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ và khu vực Đồng Bành là hai địa điểm trồng na nổi tiếng.

Quả na có nhiều công dụng lợi cho sức khoẻ. (Ảnh: baodaklak.vn)

Người xưa có câu: “Trẻ trồng na, già trồng chuối” không phải là không có căn cứ. Na xuất hiện nhiều nơi nhưng cũng phải mất từ 4 – 5 năm mới bắt đầu cho quả. Rồi cần thời gian khoảng 90 – 100 ngày kể từ khi hoa nở tới lúc quả chín. Trong mùa hoa nở nếu gặp hạn hoặc mắc mưa nhiều thì đậu quả không tốt.

Loài quả ngon ngọt được yêu thích

Quả na chín có vị ngọt, rất ngon và được phân thành hai loại dựa vào sự liên kết giữa các múi với nhau gồm na dai và na bở. Na dai có vị ngọt thanh, lớp vỏ bên ngoài rất dễ bóc, hạt dễ tách khỏi thịt trắng của quả, phần thịt trắng cũng hơi dai như tên gọi. Trong khi đó, na bở lại có vị ngọt hắc, khi ăn thường bẻ từng phần vì lớp vỏ khó bóc, phần thịt trắng dễ tan hơn na dai khi cho vào miệng.

Na bở có vị ngọt hắc dễ tan trong miệng hơn na dai. (Ảnh: kmdpjd.com)

Ngoài vị ngon ngọt, quả na còn chứa phức chất actomiozin chống ung thư; còn giúp kiểm soát lượng đường huyết, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

Đặc tính chống đái tháo đường của quả na có liên quan đến kích thích sản xuất insulin và tăng cường hấp thu glucose của cơ bắp dẫn tới sự ổn định đường trong máu. Các nghiên cứu ở thỏ cho thấy rằng dùng 5g thịt na/mỗi kg trọng lượng cơ thể có hiệu quả như một thuốc điều trị đái tháo đường.

Chiết xuất từ lá cây cũng có hiệu quả trong việc giảm mức đường huyết. Một số báo cáo chỉ ra rằng, chiết xuất của lá na có thể thay thế hiệu quả cho việc quản lý bệnh bằng insulin.

Trong quả na có hàm lượng vitamin C rất cao. Trung bình một quả có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C cần cho cơ thể mỗi ngày. Đây là một trong các yếu tố cơ bản hỗ trợ quá trình kiểm soát lượng đường huyết. Mặt khác, na có chứa nhiều magie giúp thúc đẩy quá trình sản xuất insulin điều hoà glucose máu.

Là loài quả được ưa dùng vì tác dụng bổ dưỡng tốt cho người già, trẻ em, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh. Để có được na ngon thì cần chú ý chọn quả to tròn đều, mắt na to, kẽ mắt trắng, vỏ quả xanh non không bị thâm đen, cuống nhỏ, chín mềm và không bị nứt.

Là nguyên liệu làm thuốc trị bệnh hiệu quả

Không chỉ cho quả thơm ngon, cây na còn cho nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời từ hầu hết các bộ phận của cây. Theo Đông y, quả na tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đàm. Dưới đây là một số cách sử dụng để trị bệnh.

Các bộ phận khác của quả na cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt. (Ảnh: baomoi.com)

Lá na được dùng hỗ trợ trị sốt rét: Người lớn 20 lá, trẻ em 10 lá. Chọn các lá bánh tẻ không bị sâu bệnh, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống hoặc sắc lấy nước uống. Uống lúc 2 giờ trước khi lên cơn sốt. Ngày chỉ dùng một liều.

Ngoài ra, lá còn được giã nát với lá bồ công anh để đắp lên chỗ mụn nhọt, sưng tấy.

Hạt na tán nhỏ trừ chấy rận: Giã nhỏ, nấu nước để gội đầu hoặc giặt quần áo. Cũng có thể ngâm hạt vào rượu rồi dùng rượu này vò tóc hoặc nhỏ giọt vào tóc rồi ủ khoảng 15 – 30 phút trước khi gội.

Lưu ý: Khi gội đầu tránh để nước hạt na rớt vào mắt, bởi vì nước này có thể gây tổn thường mắt. Các hợp chất hoạt tính như alkaloids, cyclohexapeptide và acetogenin chứa trong hạt chính là nguyên nhân gây ra sự bất thường trong tính toàn vẹn biểu mô giác mạc, từ đó gây ra viêm kết – giác mạc.

Nếu lỡ bắn vào mắt thì cần rửa ngay bằng nước muối sinh lý và đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt có chứa steroid. Các thuốc có chứa steroid có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nhân hạt na rất độc, chỉ cần nhấm một chút là rất khó chịu. Tuy nhiên, khi ăn na nuốt phải hạt thì không sao, do đã có lớp vỏ cứng bao bọc.

Quả na điếc (là quả bị một giống nấm làm hỏng, chuyển màu đỏ tím rồi rụng xuống):

Chữa nhọt sưng tấy ở vú: Dân gian dùng quả này phơi khô, giã nhỏ trộn với ít giấm ăn để đắp lên vú bị sưng.

Chữa viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo ta 25g. Quả na điếc phơi khô, đốt tồn tính còn lại đều phơi khô, cùng giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành hoàn, mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 – 6 viên chia 2 lần. Thời gian uống từ 3 – 5 ngày.

Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, địa long (giun đất có khoang cổ) 80g, phèn phi 20g. Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng; Địa long lộn ruột ra ngoài, rửa sạch và tẩy rượu (có thể hỏi mua tại các cửa hàng bán thuốc Đông y), phơi khô, sao vàng. Hai thứ lại trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm hoàn bằng hạt đậu xanh, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.

Với hàng loạt công dụng hữu ích của quả na như vậy thì tại sao bạn chưa chuẩn bị ngay cho gia đình những quả na chín thơm ngay trong mùa này nhỉ!

Mộc Chi

Exit mobile version